Tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 32)

ĐẤT CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

2.2.1. Tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số nước trên thế giới trên thế giới

Trên thế giới, công tác quy hoạch thường gắn với việc quản lý hành chính và quản lý đất đai. Quy hoạch thực sự trở thành công cụ không thể thiếu và rất đắc lực cho quản lý hành chính cũng như quản lý đất đai. Tùy theo chế độ chính trị, chế độ KT-XH, tùy theo những điều kiện KT-XH cụ thể của mỗi nước mà quy hoạch có những hình thức, đặc điểm, mức độ khác nhau (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

2.2.1.1. Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở Trung Quốc

Trung Quốc là nước nằm trong vùng Đông Á có diện tích tự nhiên 9.597 nghìn km2, dân số gần 1,4 tỷ người. Trung Quốc coi trọng việc phát triển KT-XH bền vững, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm lồng ghép và thực hiện đồng thời với phát triển KT-XH. Trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn của Nhà nước, của các địa phương đều được dành một phần hoặc một chương mục riêng về phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp để phát triển bền vững, bảo vệ môi

trường sử dụng tiết kiệm và hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên đất. Đến nay, Trung Quốc đã tiến hành lập QHSDĐ từ tổng thể đến chi tiết cho các vùng và địa phương theo hướng phân vùng chức năng (khoanh định sử dụng đất cho các mục đích) gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Để quy hoạch tổng thể phù hợp với phân vùng chức năng, các quy định liên quan của pháp luật Trung Quốc đã yêu cầu mọi hoạt động phát triển các nguồn tài nguyên phải nhất quán với phân vùng chức năng.

Một trong những ảnh hưởng tích cực của quy hoạch tổng thể và sơ đồ phân vùng chức năng là việc giảm thiểu xung đột đa mục đích nhờ xác định được các sử dụng tương thích cho phép ưu tiên ở các khu vực cụ thể (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

2.2.1.2. Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở Cộng hòa Liên bang Nga

Cộng hòa Liên bang Nga chú trọng việc tổ chức lãnh thổ, các biện pháp bảo vệ và sử dụng đất với các nông trang và các đơn vị sử dụng đất nông nghiệp. Quy hoạch sử dụng đất của Nga được chia thành hai cấp: quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết.

Quy hoạch chi tiết sẽ đưa ra phương án sử dụng đất nhằm bảo vệ và khôi phục độ phì của đất, ngăn chặn hiện tượng xói mòn đất, ngăn chặn việc sử dụng đất không hiệu quả, làm tăng điều kiện sống của người dân.

Quy hoạch chi tiết với mục tiêu cơ bản là tổ chức sản xuất lãnh thổ trong các xí nghiệp hàng đầu về sản xuất nông nghiệp như các nông trang, nông trường. Nhiệm vụ cơ bản của quy hoạch chi tiết là tạo ra những hình thức tổ chức lãnh thổ sao cho đảm bảo một cách đầy đủ, hợp lý, hiệu quả việc sử dụng từng khoanh đất cũng như tạo ra những điều kiện cần thiết để làm tăng tính khoa học của việc tổ chức lao động, việc sử dụng những trang thiết bị sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên và thời gian (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

2.2.1.3. Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở Nhật Bản

Nhật Bản trong những năm gần đây, tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị tăng đã đặt ra nhu cầu sử dụng đất ngày một lớn cho tiến trình phát triển KT-XH, sự cạnh tranh về mục đích sử dụng đất diễn ra không chỉ ở trong khu vực đô thị mà còn ở hầu hết trên lãnh thổ đất nước. Trong những thập kỷ vừa qua, cơ cấu sử dụng đất đã có sự thay đổi, bình quân mỗi năm chuyển đổi khoảng 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp sang các mục đích khác... Do vậy, vấn đề

QHSDĐ ở Nhật Bản không những chú ý đến hiệu quả KT-XH mà còn rất chú trọng đến bảo vệ môi trường, tránh các rủi ro của tự nhiên như động đất, núi lửa… QHSDĐ ở Nhật bản chia ra: QHSDĐ tổng thể và QHSDĐ chi tiết.

QHSDĐ tổng thể được xây dựng cho một vùng lãnh thổ rộng lớn tương đương với cấp tỉnh, cấp vùng trở lên. Mục tiêu của QHSDĐ tổng thể được xây dựng cho một chiến lược sử dụng đất dài hạn khoảng từ 15-30 năm nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng đất cho sự nghiệp phát triển KT-XH. Quy hoạch này là định hướng cho QHSDĐ chi tiết. Nội dung của quy hoạch này không quá đi vào chi tiết từng loại đất mà chỉ khoanh định cho các loại đất lớn như: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư, đất cơ sở hạ tầng, đất khác.

QHSDĐ chi tiết được xây dựng cho vùng lãnh thổ nhỏ hơn tương đương với cấp xã. Thời kỳ lập quy hoạch chi tiết là 5-10 năm về nội dung quy hoạch chi tiết rất cụ thể, không những rõ ràng cho từng loại đất, các thửa đất và các chủ sử dụng đất mà còn có những quy định chi tiết cho các loại đất như: Về hình dáng, quy mô diện tích, chiều cao xây dựng…. Đối với QHSDĐ chi tiết ở Nhật Bản hết sức coi trọng đến việc tham gia ý kiến của các chủ sử dụng đất cũng như tổ chức thực hiện phương án khi đã được phê duyệt (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

2.2.1.4. Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở Cộng hòa Liên bang Đức

Ở Cộng hoà Liên bang Đức, vị trí của QHSDĐ được xác định trong hệ thống quy hoạch phát triển không gian (theo 4 cấp): Liên bang, vùng, tiểu vùng và đô thị. Trong đó, QHSDĐ được gắn liền với quy hoạch phát triển không gian ở cấp đô thị.

Trong QHSDĐ ở Cộng hoà Liên bang Đức, đất nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn là chủ yếu, chiếm khoảng 85% tổng diện tích; diện tích mặt nước, đất hoang là 3%; đất làm nhà ở, địa điểm làm việc, giao thông và cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ cho dân chúng và nền kinh tế được gọi chung là đất ở và đất giao thông chiếm khoảng 12% tổng diện tích toàn Liên bang. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ quốc gia công nghiệp nào có mật độ dân số cao, diện tích đất ở và giao thông ở Đức đang ngày càng gia tăng. Diện tích đất giao thông tăng đặc biệt cao từ trước tới giữa thập kỷ 80. Trong khi đó, diện tích nhà chủ yếu tăng trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt là đất dành làm địa điểm làm việc như thương mại, dịch vụ, quản lý hành chính phát triển một cách không cân đối. Quá trình ngoại ô hoá liên tục và tốn kém về đất đai cũng góp phần quan trọng vào thực tế này (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

2.2.1.5. Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở Đài Loan

Quá trình phát triển xã hội Đài Loan trước đây cũng giống với hiện trạng phát triển giai đoạn hiện nay của Việt Nam, tức là xã hội nông nghiệp là chính. Những năm 40 trở lại đây, nền kinh tế Đài Loan có tăng trưởng với tốc độ nhanh, giới công thương đã trở thành ngành nghề chủ lực của Đài Loan, cũng là sức mạnh căn bản của đất nước. Hơn nữa, nông nghiệp cùng với sự phát triển của kỹ thuật đã phát triển theo hướng thâm canh, chuyên sâu.

Nhân khẩu nông nghiệp và diện tích sử dụng đất trong nông nghiệp Đài Loan giảm theo hàng năm, nhưng cùng với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chính sách thâm canh hóa, chuyên sâu hóa, giá trị sản lượng về tổng sản phẩm quốc nội trong nông nghiệp vẫn tăng ổn định. Nhưng sự phát triển của nghề chế tạo tuy chỉ với nhu cầu sử dụng đất không lớn nhưng phát huy hiệu quả sử dụng đất lớn nhất; giá trị sản xuất trên đơn vị nhân khẩu và tổng sản phẩm quốc nội trong nghề chế tạo đều có cống hiến to lớn hơn so với nông nghiệp.

Từ kinh nghiệm phát triển Đài Loan có thể thấy sự phát triển nông nghiệp Đài Loan tuy vẫn chiếm vị trí số một nhưng cống hiến đối với phát triển kinh tế vẫn dựa vào sự phát triển của nghề chế tạo. Đài Loan đã lấy nghề chế tạo làm chủ lực, vì nó có thể sử dụng diện tích đất đai ít nhất nhưng phát huy hiệu quả kinh tế lớn nhất. Đối với phát triển nông nghiệp đã tích cực đưa vào kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm bớt diện tích và nhu cầu nhân lực của nông nghiệp, chuyển một bộ phận nhân lực và đất nông nghiệp đưa vào sản xuất trong nghề chế tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo cơ hội việc làm, tiến tới nâng cao giá trị và thu nhập quốc dân trong nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 32)