Tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh bắc ninh (Trang 32 - 36)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số nước

2.2.2. Tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở Việt Nam

2.2.2.1. Thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1980

Ngày 01/7/1980, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 201-CP về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước, nêu rõ: “Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Thời kỳ này, Chính phủ đã lập quy hoạch trong cả nước, kết quả đạt được là cuối năm 1980 đã xây dựng xong các phương án quy hoạch phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản của cả nước, trong đó coi quy hoạch đất nông nghiệp, lâm nghiệp là luận chứng quan trọng để phát triển. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong quy hoạch đất đai thời kỳ này là số liệu điều tra cơ bản về thống kê đất đai, về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên chưa đầy đủ; tính khả thi chưa cao vì chưa tính đến khả năng về đầu tư.

2.2.2.2. Thời kỳ từ năm 1981 đến năm 1986

Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V “Xúc tiến công tác điều tra cơ bản lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng, nghiên cứu chiến lược kinh tế, xã hội dự thảo kế hoạch triển vọng, kế hoạch cho 5 năm sau (1986 - 1990)”. Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng đã yêu cầu các ngành, các địa phương, các cơ quan khoa học tập trung chỉ đạo chương trình lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất ở nước ta trong thời kỳ 1986 - 2000 (lập quy hoạch, kế hoạch sản xuất vùng trọng điểm, KCN, du lịch, xây dựng thành phố).

Trong thời kỳ này, kết quả đã được nâng lên một bước về nội dung và cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai. Tuy nhiên, trong thời kỳ này QHSDĐ cấp xã chưa được đề cập đến, còn quy hoạch cấp huyện, cấp tỉnh và cả nước đã được đề cập đến nhưng chưa đầy đủ.

2.2.2.3.Thời kỳ từ năm 1987 đến năm 1993

Ngày 29/12/1987, Quốc hội khoá VIII thông qua Luật Đất đai và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 08/11/1988. Đây là Luật Đất đai đầu tiên được ban hành và dành một số điều cho quy hoạch như xác định vai trò, vị trí của công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, Luật Đất đai 1988 chưa nêu ra nội dung của quy hoạch sử dụng đất đai.

Để thúc đẩy công tác quy hoạch phân bổ sử dụng đất, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã ban hành Thông tư số 106/QHKH/RĐ ngày 15/4/1991 về hướng dẫn lập quy hoạch phân bổ đất đai. Theo đó, phạm vi của quy hoạch là phân bổ đất đai cho các ngành sử dụng được định rõ vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, còn việc sử dụng, áp dụng biện pháp kỹ thuật, đầu tư và hiệu quả đầu tư do quy hoạch chuyên ngành đảm nhiệm. Đối tượng mà quy hoạch phân bổ đất đai tác động tới là các đơn vị hành chính.

Ngày 18/02/1992, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã kịp thời hoàn thành tài liệu hướng dẫn lập quy hoạch phân bổ đất đai cấp xã. Do đó, công tác quy hoạch sử dụng đất đai được đẩy mạnh một bước, đặc biệt là công tác quy hoạch sử dụng đất cấp xã được thực hiện.

2.2.2.4. Thời kỳ từ năm 1993 đến năm 2003

Ngày 15/10/1993, Luật Đất đai sửa đổi được công bố và có hiệu lực. Trong Luật này, các điều khoản nói về quy hoạch đã được cụ thể hoá hơn so với Luật Đất đai 1988. Luật Đất đai 1993 tăng cường quyền hạn của cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Ngày 28/10/1995, Tổng cục Địa chính đã ban hành Quyết định số 657 QĐ/ĐC về việc “Ban hành tạm thời định mức lao động và giá điều tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Tiếp theo Quyết định số 657 QĐ/ĐC ngày 16/7/1996, Tổng cục Địa chính có công văn số 862 CV/ĐC về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thực hiện Chỉ thị số 245/TTg kèm theo bản hướng dẫn lập quy hoạch sử dụng đất theo đơn vị hành chính cấp tỉnh và theo ngành. Theo hướng dẫn của Tổng cục Địa chính thì “quy hoạch sử dụng đất đai theo Luật Đất đai năm 1993 gồm có quy hoạch sử dụng đất đai theo đơn vị hành chính và quy hoạch sử dụng đất đai theo ngành”.

Ngày 12/10/1998, Tổng cục Địa chính có Công văn số 1814/CV-TCĐC về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các công việc sau: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; trình tự và nội dung các bước xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai theo lãnh thổ hành chính các cấp; quản lý, cấp phát và thanh quyết toán vốn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; việc lập kế hoạch chuyển đất nông nghiệp, lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác hàng năm.

Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của quản lý Nhà nước về đất đai nói chung và QHSDĐ nói riêng, trong thời kỳ này, Luật Đất đai được sửa đổi vào năm 1988 và năm 2001. Trong cùng thời gian này, để tăng cường công tác QHSDĐ trong phạm vi cả nước và căn cứ theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Theo đó, Tổng cục Địa chính đã ban hành Thông tư số 1842/TT-TCĐC ngày 01/11/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 68/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai được triển khai trên diện rộng (cả nước và các tỉnh, các huyện); hầu hết các địa phương trong cả nước đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai được triển khai mạnh mẽ và khoa học hơn ở cả 4 cấp, đó là: Cả nước, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Về quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 1842/TT- TCĐC được lập từ tổng thể đến chi tiết, được lập từ trên xuống dưới và cấp dưới bổ sung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch cấp trên.

2.2.2.5. Từ khi có Luật Đất đai năm 2003 đến nay

Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như đảm bảo quyền quản lý đất đai của Nhà nước theo Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Đất đai 2003 thay cho Luật Đất đai 2001 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2004. Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được nhấn mạnh trong Chương 2 Mục 2 của Luật Đất đai năm 2003.

Để thực hiện Luật Đất đai 2003, ngày 29/10/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó Chương III Điều 12 quy định cụ thể nội dung QHSDĐ. Để công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thống nhất trong cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 hướng dẫn, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất và Quyết định số 04/2005/QĐ- BTNMT ngày 30/6/2005 về quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng dẫn tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 4 cấp: Cả nước, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nội dung lập quy hoạch giống với thời kỳ trước năm 2003, quy hoạch được lập từ tổng thể đến chi tiết, từ trên xuống dưới và cấp dưới bổ sung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch cấp trên; khác với giai đoạn trước năm 2003 là cấp xã được lập QHSDĐ chi tiết, Bản đồ QHSDĐ cấp xã được lập trên nền bản đồ địa chính, chi tiết hơn, cụ thể hơn.

Qua thực tế triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003, để dần hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đất đai, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về QHSDĐ, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể hóa bằng việc ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày

02/11/2009 quy định chi tiết về việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch sử dụng đất và Thông tư số 06/2010/TT-BTNMT ngày 15/3/2010 quy định về định mức kinh tế kỹ thuật lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng dẫn tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Thông tư số 19/2009/ TT-BTNMT ngày 02/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 4 cấp: Cả nước, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khác với thời kỳ trước năm 2003 và trước năm 2009, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập theo nguyên tắc cấp trên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp dưới (cấp quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh, cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện, cấp huyện phân bổ cho cấp xã); khác với giai đoạn trước năm 2009 là QHSDĐ cấp xã có thể lồng nghép với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Thông tư số 09/2015/TT-BTNMT ngày 23/3/2015 ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng dẫn tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 3 cấp: Cả quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện (bỏ QHSDĐ cấp xã). Nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giống nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai năm 2003 được lập theo nguyên tắc cấp trên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp dưới (cấp quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh, cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện); khác với Luật Đất đai năm 2003 là bỏ QHSDĐ cấp xã; kế hoạch sử dụng đất của cấp xã được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh bắc ninh (Trang 32 - 36)