Tình hình giải ngân vốn ODA của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn cho dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh thanh hóa (Trang 35 - 37)

Thực tiễn quản lý ODA của Việt Nam còn nhiều điều bất ổn: Tình hình thực hiện các dự án (ODA) thường bị chậm ở nhiều khâu: chậm thủ tục, chậm triển khai, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Do vậy, thời gian hoàn thành dự án kéo dài làm phát sinh các khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư thực tế thường tăng hơn so với dự kiến và cam kết; đồng thời cũng làm giảm tính hiệu quả của Dự án khi đi vào vận hành khai thác. Công tác theo dõi, đánh giá tình hình đầu tư ODA chưa đầy đủ, còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là công tác theo dõi, thống kê, kiểm tra và đánh giá hiệu quả của công trình sau đầu tư còn bỏ ngỏ, ngoại trừ các Dự án vay lại và đang trong thời gian trả nợ. Kết quả quản lý thường được đánh giá chỉ bằng công trình (mức độ hoàn thành, tiến độ thực hiện) mà chưa xem xét đến hiệu quả sau đầu tư một khi công trình được đưa vào vận hành khai thác. Quan điểm và cách làm này gây khó khăn cho việc đánh giá, định hướng đầu tư từ nguồn ODA tạo nên sự lãng phí và né tránh trách nhiệm của những bộ phận liên quan.

Có sự chồng chéo trong thủ tục chuẩn bị và triển khai đầu tư. Theo Bộ Tài chính, chỉ có 4% lượng vốn ODA áp dụng các quy định về đấu thầu và 3% sử dụng hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam, còn lại là theo cách thức của nhà tài trợ. (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 2007). Vì vậy, nhiều dự án cùng một lúc phải thực hiện 2 hệ thống thủ tục, một thủ tục để giải quyết vấn đề nội bộ trong nước, một thủ tục với nhà tài trợ. Điều này làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, gia tăng chi phí (chi phí chuẩn bị Dự án, tăng chi phí đầu tư do lạm phát bởi thời gian kéo dài) tăng khả năng rủi ro vì có thể bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp.

Vấn đề quản lý nguồn vốn ODA tránh thất thoát và lãng phí cũng là điều phải đặc biệt quan tâm, một số trường hợp như PMU18 và gần đây là Dự án Đại lộ Đông Tây v.v… khiến cho công luận và Quốc hội đặc biệt quan ngại về việc quản lý chặt chẽ đồng vốn ODA và hiệu quả của nguồn tài trợ này, đòi hỏi Chính phủ cần phải có ngay những giải pháp triệt để. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình này. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể: Một số giới lãnh đạo của Chính phủ, của chính quyền địa phương và chủ đầu tư có quan điểm nhìn nhận chưa đúng về nguồn vốn tài trợ ODA. Đúng là trong nguồn vốn ODA có một phần là viện trợ không hoàn lại, song phần này chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại là vốn vay. Do thời hạn vay dài, thời hạn ân hạn dài, lãi suất thấp, áp lực trả nợ chỉ phát sinh sau thời gian dài sau này nên dễ tạo nên sự chủ quan trong quyết định, lựa chọn nguồn tài trợ ODA. Ngoài ra, cơ quan đàm phán trực tiếp với nhà tài trợ thường là các bộ, ngành trong Chính phủ nên chủ đầu tư chưa thấy hết tác động của những điều kiện khó khăn mà nhà tài trợ ràng buộc.

Đối với các địa phương, vấn đề hoạch định chiến lược; quy hoạch thu hút và sử dụng ODA là hết sức nan giải do có rất ít sự chủ động của địa phương trong vấn đề này, và năng lực đội ngũ quản lý ODA ở địa phương là yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có chiến lược vận động và sử dụng ODA một cách rõ ràng và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Quản lý giải ngân với các dự án tại Bắc Ninh

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, Bắc Ninh chủ trương đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một nguồn vốn quan trọng. Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trong thời kỳ 2010 - 2015, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó chủ yếu là các khu công nghiệp.

Những thành quả trong thu hút FDI của Bắc Ninh đã tạo ra bước phát triển mới cho kinh tế của tỉnh nói chung và công nghiệp của tỉnh nói riêng.

Để thuận lợi cho thu hút vốn và giải ngân vốn ODA, trên cơ sở những quy định chung của Chính phủ về ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành những chính sách và cơ chế thuận lợi cho hoạt động đầu tư như: ưu đãi về thuê đất, hỗ trợ vốn xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, hỗ trợ đền bù thiệt hại trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo

nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và các dự án tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, giao lưu thương mại, xúc tiến đầu tư, khai thác thị trường cùng với thực hiện cải cách hành chính áp dụng cơ chế một cửa.

Quy trình "một cửa" với những trợ giúp tối đa từ các cơ quan quản lý địa phương được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu của thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh. Sở kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” trong hoạt động cấp giấy phép đầu tư cho lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải quyết các thủ tục hành chính sau cấp phép đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư với thời gian nhanh nhất có thể triển khai dự án. Từ đó công tác giải ngân cho dự án thuận lợi và các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban quản lý các dự án khu công nghiệp Bắc Ninh là cơ quan trực tiếp quản lý các khu công nghiệp tập trung của tỉnh; đã áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” trong việc cấp giấy phép đầu tư, giải quyết các thủ tục sau cấp phép đầu tư, giúp doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã phát huy tác dụng, tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các thủ tục, công khai và đơn giản hoá các thủ tục hành chính (Vũ Thị Thúy Oanh, 2010).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn cho dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh thanh hóa (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)