Các yếu tố ảnh hưởng tới đầu tư công cho sản xuất nông-lâm nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư công cho sản xuất nông lâm nghiệp ở huyện na xai thong, thủ đô viêng chăn, CHDCND lào (Trang 34 - 37)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư công cho sản xuất nông-lâm nghiệp

2.1. Cơ sở lý luận về đầu tư công cho sản xuất nông – lâm nghiệp

2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng tới đầu tư công cho sản xuất nông-lâm nghiệp

2.1.5.1. Thể chế và chính sách đầu tư công của Chính phủ, Nhà nước và của địa phương

Nhân tố quan trọng nhất chi phối hoạt động đầu tư công trong nhóm nhân tố khách quan là nhân tố thể chế và chính sách của Nhà nước, Chính phủ và địa phương.

- Thể chế: là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Thể chế xã hội quy định mục đích và đạo lý mà Nhà nước muốn đạt tới. Thể chế kinh tế - xã hội nước CHDCND Lào theo Hiến Pháp năm 2003 là nền kinh tế thị trường gồm nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức, đảm bảo sư công bằng về kinh tế - xã hội, có cả cạnh tranh và hợp tác dưới pháp luật, hợp tác giữa các vùng và quốc tế để đảm bảo cho kinh tế phát triển liên tục và ổn định gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững nhằm nâng cao đời sống của nhân dân về vật chất và tinh thần. Vì thế, trong chính sách phát triển đất nước, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển kinh tế các vùng khó khăn, đảm bảo yếu tố công bằng trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Thể chế được cụ thể hóa qua các văn bản pháp luật như: Luật đầu tư (2009), Luật ngân sách nhà nước (2015), Luật đầu tư công năm 2004 và luật đầu tư công quyền sửa đổi năm 2009, luật về xây dựng (2009) Nghị định số 03/2004/CP về đấu thầu mua sắm, xây dựng, tu dưỡng và dịch vụ của ngân sách Nhà nước…

Trong thể chế nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, các cơ quan hoạt động phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế xã hội. Đối với hoạt động đầu tư công cho phát triển nông nghiệp,

khi có sự thống nhất cao giữa Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Bộ Nông – lâm nghiệp với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương thì nguồn đầu tư sẽ được đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng với quy mô phù hợp, không chồng chéo, dàn trải, vì thế hiệu quả đầu tư cũng được nâng cao. Tương tự như thế, ở quy mô cấp huyện, để đầu tư công vào phát triển nông nghiệp có hiệu quả thì cần có sự thống nhất phối hợp chặt chẽ giữa Phòng tài chính - kế hoạch với Phòng Nông - lâm nghiệp…và với các địa phương, đơn vị cá nhân tiếp nhận nguồn đầu tư.

Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền thì việc phân cấp trong quản lý của nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng tác động tới đầu tư công. Việc địa phương quản lý ngân sách có thể giúp huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả hơn, nguồn vốn huy động cho đầu tư công sẽ sớm đi vào thực tiễn hơn do không phải qua khâu trung gian và thời gian chờ đợi cấp phép, chuyển kinh phí từ cấp trên về địa phương… đáp ứng tốt hơn, sát thực hơn với nhu cầu, mong muốn và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

- Chính sách: là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào

đó của nền kinh tế - xã hội do Chính phủ thực hiện. Các chính sách của Chính phủ, Nhà nước và địa phương, đặc biệt là các chính sách về đầu tư có ảnh hưởng lớn tới mức đầu tư và hiệu quả của đầu tư công cho phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Chính sách kinh tế là bộ não chỉ huy, hướng dẫn và điều tiết sản xuất, tạo điều kiện để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực. Cơ chế chính sách đúng đắn, hợp lòng dân sẽ tạo thêm động lực cho người lao động, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia tích cực đầu tư phát triển sản xuất, tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Ngược lại, sẽ triệt tiêu động lực phát triển, cũng như làm suy giảm hiệu quả hoạt động đầu tư.

Hiện tại, các chính sách chung ưu đãi đầu tư thể hiện qua các văn bản luật của các cơ quan nhà nước đã được ban hành như: Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật ngân sách Nhà nước, Luật Thủy lợi, Luật Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Luật môi trường, Luật Thú y... Theo đó, các văn bản luật cũng ban hành các chính sách ưu đãi kèm theo đối với các đối tượng đầu tư vào các lĩnh vực đó. Ngoài ra, còn rất nhiều các thông tư, văn bản, nghị định của Chính phủ, các bộ ban ngành như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông - lâm nghiệp…

Quy định các chính sách ưu đãi đầu tư. Việc các chính sách này được triển khai đưa vào thực tiễn sẽ tạo điều kiện cho các địa phương, nhất là các vùng khó khăn, và các ngành kinh tế có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của các vùng, các ngành.

2.1.5.2. Năng lực tài chính

Đây là nhân tố không thể thiếu, cần phải có kế hoạch chuẩn bị bảo đảm đáp ứng đầy đủ tài chính cho hoạt động muốn thực hiện. Đối với hoạt động đầu tư công, nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách Nhà nước vì vậy càng cần phải được quan tâm chặt chẽ hơn. Do nguồn ngân sách này còn phải chi đồng thời cho nhiều lĩnh vực, ngành, nhiều dự án khác nhau nên việc bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động đầu tư diễn ra đúng tiến độ và phát huy hiệu quả là vô cùng quan trọng.

2.1.5.3. Nhân lực

Đây là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả đạt được của các chương trình, dự án. Để các chương trình, dự án đạt được kết quả mong muốn, các cơ quan thực hiện và quản lý đầu tư công trong ngành nông nghiệp cần phải bảo đảm nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng (sự hiểu biết, trình độ, năng lực).

Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao năng lực của cán bộ các ngành, các cấp trong triển khai và quản lý sự hỗ trợ của đầu tư công cho phát triển nông nghiệp. Năng lực triển khai của các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý của các ngành, các cấp ảnh hưởng rất lớn đến công tác đầu tư công. Nếu công tác triển khai các chương trình, dự án ở bản, huyện diễn ra chậm sẽ hạn chế đến kết quả và hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, trong khi một số nội dung hỗ trợ cho nông nghiệp mang tính thời vụ cần phải triển khai sớm và kịp thời.

Kỹ năng khai thác, sử dụng nguồn đầu tư của đối tượng được đầu tư; kỹ năng giám sát, đánh giá của cơ quan quản lý các cấp đảm bảo cho nguồn vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đủ, không thất thoát, lãng phí gây ra tình trạng hiệu quả thấp trong đầu tư là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả cuối cùng của nguồn đầu tư.

Kết quả và hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp cao hay thấp còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức của người đầu tư. Những nơi, địa phương có kinh nghiệm, những mô hình đã triển khai thành công sẽ là căn cứ quan trọng trong xác định các giải pháp đầu tư. Vì vậy, cần tổng kết kinh nghiệm làm bài học kinh nghiệm cho đầu tư công.

2.1.5.4. Đặc điểm của cộng đồng tiếp nhận

- Điều kiện tự nhiên: vị trí địa lý, địa hình, các vùng khác nhau thì chính sách đầu tư khác nhau, tài nguyên khoáng sản…

- Điền kiện kinh tế, chính trị: các yếu tố kinh tế, môi trường đầu tư của địa phương (dịch vụ công và hành chính công), tiến bộ khoa học – công nghệ…đều có ảnh hưởng đến hoạt động, kết quả và hiệu quả đầu tư.

- Điều kiện văn hóa - xã hội: phong tục tập quán, trình độ dân trí…tạo nên những lợi thế cũng như những khó khăn riêng cho các vùng, các bản trong huyện. Có thể dự án có tác dụng tốt nhưng cộng đồng vẫn không ủng hộ do nó không phù hợp với tín ngưỡng, phong tục của cộng đồng địa phương đó.

- Công luận và thái độ của các nhóm có liên quan: mỗi chương trình, dự án được thực hiện sẽ mang lại lợi ích và bất lợi cho những nhóm đối tượng khác nhau và do vậy cũng sẽ nhận được sự ủng hộ và phản đối của các nhóm đối tượng tương ứng (Nguyễn Thị Thu Hà, 2013). Trên thực tế, có những nhóm người được hưởng lợi ích lớn hơn từ các chương trình, dự án đầu tư công, nhóm người này ủng hộ mạnh mẽ cho chương trình, dự án. Ngược lại, nhóm người hưởng lợi ít hoặc bị thiệt hại từ dự án có xu hướng không ủng hộ hoặc phản đối dự án. Các dự án công, nhất là là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, nếu bị người dân phản đối, ngăn chặn ngay từ khâu giải tỏa mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư công cho sản xuất nông lâm nghiệp ở huyện na xai thong, thủ đô viêng chăn, CHDCND lào (Trang 34 - 37)