STT Chỉ tiêu Số cán bộ (N=36) Tỷ lệ %
1 Tốt 8 22,22
2 Chưa tốt 25 69,44
3 Kém 3 8,33
Nguồn: Số liệu điều tra (2016)
Trong quá trình điều tra tình hình phát triển thủy sản tại huyện Gia Lộc, chúng tôi tiến cả hành điều tra đánh giá của cán bộ địa phương về công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Kết quả cho thấy hầu hết các cán bộ đều cho rằng tình hình quy hoạch vùng nuôi là chưa tốt. Cụ thể chỉ có 8 cán bộ được điều tra cho rằng công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản là tốt, chiếm tỷ lệ 22,22%. Còn lại 28 cán bộ được điều tra cho rằng công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản là chưa tốt và kém, chiếm tỷ lệ 77,77%.
Qua số liệu điều tra bên trên, ta càng thấy rõ hơn tình trạng quy hoạch vùng nuôi còn hạn chế. Loại hình sản xuất chính hiện nay là hộ/trang trại, quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên khó kiểm soát về môi trường và dịch bệnh. Tỷ lệ vùng nuôi thủy sản trong huyện có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt còn ít, mà chủ yếu các vùng nuôi sử dụng chung một hệ thống cấp và thoát nước. Do vậy có tình trạng “cũ người mới ta” tức là nước thải ao nuôi cá của hộ này là nước cấp cho ao nuôi của hộ khác. Dẫn tới tình trạng lây lan bệnh tật cho động vật thủy sản và ô nhiễm vùng nuôi. Hậu quả là trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản ở huyện đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, tỷ lệ sống giảm, chi phí đầu tư thuốc, hóa chất xử lý ao và chữa bệnh ngày càng tăng. Do đó hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm.
Tình trạng sản xuất theo phong trào, tự phát, phá vỡ quy hoạch vẫn còn phổ biến. Cộng thêm sự tiếp cận với thông tin về thị trường tiêu thụ của cơ sở nuôi còn hạn chế dẫn đến mất cân bằng giữa “cung và cầu”, tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó cơ sở pháp lý về công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch nuôi trồng thủy sản nói riêng của chính phủ còn thiếu (Luật quy hoạch chưa ban hành vẫn đang dự thảo) văn bản pháp lý cao nhất hiện nay là Nghị định của Chính phủ (NĐ 92, 04 và 99). Thiếu định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành cho công tác xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản mà vẫn phải dựa vào định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu theo Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT. Thiếu quy định về xây dựng quy hoạch chi tiết trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững.
4.2.2. Vấn đề thức ăn
Trong nuôi trồng thủy sản một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm nước ao là do thức ăn đưa xuống ao nuôi không được động vật thủy sản sử dụng hết, cũng như do sự hòa tan của thức ăn vào nước ao nuôi. Sự hòa tan thức ăn vào trong nước ao tùy thuộc vào các loại thức ăn khác nhau và các hãng sản xuất thức ăn khác nhau. Không chỉ vậy việc bảo quản thức ăn không tốt, bao bì thức ăn bị rách sẽ làm cho thức ăn bị hỏng, mốc dẫn đến khi cho ăn động vật thủy sản ăn ít hoặc không ăn gây dư thừa thức ăn trong ao, thức ăn bị hỏng, bị mốc sẽ rất nhanh bị hòa tan vào nước ao gây ô nhiễm nước trong ao nuôi.
Số liệu bảng 4.15 thể hiện nguồn thức ăn được các hộ nuôi sử dụng cho động vật thủy sản nuôi tại hộ gia đình nhà mình. Cụ thể:
- Số hộ nuôi được điều tra có sử dụng thức ăn tươi sống cho động vật thủy sản ăn là 9 hộ, chiếm tỷ lệ 10% số hộ được điều tra. Qua tìm hiểu thức ăn tươi sống được hộ sử dụng chủ yếu là con Don cho cá Chép ăn. Ngoài ra một số hộ nuôi sử dụng các phụ phẩm trong các lò mổ động vật để cho cá Rô phi hoặc cá Trê lai hay cá Chim trắng ăn.
- Số hộ nuôi trồng thủy sản được điều tra có sử dụng thức ăn công nghiệp là 90 hộ, chiếm tỷ lệ 100% số hộ được điều tra. Cám công nghiệp được các hộ nuôi sử dụng chủ yếu là cám nổi dạng viên.
- Số hộ nuôi thủy sản được điều tra có 21 hộ sử dụng phân động vật làm thức ăn cho động vật thủy sản ăn, chiếm tỷ lệ 23,33%. Phân động vật thường được các hộ nuôi nhiều cá Trôi, cá Chim trắng trong ao sử dụng làm thức ăn cho cá. Các hộ nuôi này chủ yếu sử dụng phân Lợn, phân Gà hoặc phân chim Cút làm thức ăn cho cá ăn.
- Số hộ nuôi trồng thủy sản được điều tra có sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho cá ăn như Ngô, Thóc, Cám gạo,... cho cá ăn là 36 hộ, chiếm tỷ lệ 40% số hộ điều tra.
- Số hộ sử dụng Thực vật cho cá ăn là 90 hộ, chiếm tỷ lệ 100%. Điều này là hoàn toàn phù hợp với số liệu điều tra đối tượng nuôi trồng thủy sản của các hộ này. Tất cả các hộ được điều tra đều thả cá Trắm cỏ nên thức ăn sử dụng là thực vật.