nuôi lợn
2.1.4.1. Nhận dạng, phân tích, đo lường rủi ro
Để hạn chế rủi ro trước hết phải nhận dạng rủi ro, nhận dạng rủi ro là quá trình xác định liên tục và có hệ thống các rủi trong hoạt động chăn nuôi lợn. Hoạt động nhận dạng rủi ro nhằm phát triến các thông tin về nguồn gốc rủi ro, các yếu tố mạo hiểm, hiểm họa, đối tượng rủi ro và các loại tổn thất. Nhận dạng rủi ro bao gồm các công việc theo dõi, xem xét, nghiên cứu môi trường hoạt động và toàn bộ hoạt động nhằm thống kê được tất cả các rủi ro, không chỉ những rủi ro đã và đang xảy ra, mà còn dự báo được những dạng rủi ro mới có thể xuất hiện.
Trên cơ sở đó sẽ tiến hành phân tích rủi ro nhằm xác định nguyên nhân gây ra rủi ro cũng như các nhân tố làm tăng khả năng rủi ro trong chăn nuôi, từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát và tài trợ rủi ro thích hợp (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
Để nhận dạng rủi ro cần phải lập được bảng liệt kê tất cả các dạng rủi ro đã và đang và sẽ có thể xuất hiện, có thể sử dụng các phương pháp sau:
Lập bảng câu hỏi nghiên cứu về rủi ro và tiến hành điều tra. Các câu hỏi được sắp xếp theo nguồn gốc rủi ro, hoặc môi trường tác động…..
Thanh tra hiện trường: Để hạn chế rủi ro đòi hỏi phải thường xuyên thanh tra hiện trường. Nhờ quan sát, theo dõi trực tiếp hiện trường sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, nhận dạng rủi ro.
Nhận dạng được các rủi ro và lập bảng liệt kê các rủi ro có thể đến tuy là công việc quan trọng không thể thiếu, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu của công tác quản lý rủi ro. Bước tiếp theo là phải tiến hành phân tích rủi ro, phải xác định được nguyên nhân gây ra rủi ro, trên cơ sở đó mới có thể tìm ra các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
Là công việc xác định tần suất hiện rủi ro trong khoảng thời gian nhất định và xác định mức độ nghiêm trọng của rủi ro. Trên cơ sở đó có thể lập được bảng ma trận đo lường rủi ro.
Để đánh giá mức độ quan trọng của rủi ro người ta sử dụng cả hai tiêu chí: Mức độ tổn thất nghiêm trọng và tần suất xuất hiện, trong đó mức độ tổn thất nghiêm trọng đóng vai trò quyết định. Vì vậy sau khi đo lường, phân loại các rủi
ro sẽ tập chung quản lý trước hết những rủi ro thuộc nhóm I, sau đó theo thứ tự II. III và cuối cùng là nhóm IV (Phạm Thị Lam, 2010).
2.1.4.2. Kiểm soát và phòng ngừa rủi ro
Công việc trọng tâm của hạn chế rủi ro là kiểm soát rủi ro. Kiểm soát rủi ro là việc sử dụng các biện pháp, kỹ thuật, công cụ, chiến luợc, các chương trình, hoạt động để ngăn ngừa, né tránh, hoặc giảm thiểu những tổn thất, những ảnh hưởng không mong đợi có thể đến. Kiểm soát rủi ro phải sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt, bao gồm các biện pháp sau:
+ Các biện pháp né tránh rủi ro: Là các biện pháp né tránh những hoạt động hoặc nguyên nhân làm phát sinh tổn thất, mất mát có thể có. Đây là biện pháp đuợc sử dụng thường xuyên trong cuộc sống.
+ Các biện pháp ngăn ngừa tổn thất: Là sử dụng các phương pháp giảm thiểu số lần xuất hiện các rủi ro hoặc giảm mức độ thiệt hại do rủi ro mang lại.
+ Các biện pháp giảm thiểu tổn thất: Là những biện pháp cứu vớt những tài sản còn lại, xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa rủi ro, lập quỹ dự phòng phân tán rủi ro.
+ Các biện pháp chuyển giao rủi ro: Là những biện pháp chuyển rủi ro đến cho người khác, tổ chức thông qua các con đường ký hợp đồng.
+ Các biện pháp đa dạng rủi ro: Gần giống với kỹ thuật phân tán rủi ro, bao gồm đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa khách hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, để phòng chống rủi ro. Là những biện pháp dự phòng để giảm rủi ro có thể xảy ra (Nguyễn Thị Tâm, 2008).
2.1.4.3. Tài trợ rủi ro
Rủi ro có nhiều loại, rủi ro có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, rủi ro có thể đến với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Do đó, dù phòng kỹ đến đâu, dù kiểm soát rủi ro chặt chẽ cách nào thì cũng không thể né tránh, ngăn chặn, được tất cả tổn thất. Vì vậy khi tổn thất xảy ra phải có các biện pháp để tài trợ rủi ro thích hợp. Nhóm các biện pháp tài trợ rủi ro bao gồm các biện pháp chấp nhận rủi ro và bảo hiểm (Nguyễn Thị Tâm, 2008).
Đây là hình thức mà người gặp phải tổn thất tự chấp nhận tổn thất đó hay tự khắc phục rủi ro đã xảy ra. Có rất nhiều cách thức khác nhau trong biện pháp chấp nhận rủi ro, tuy nhiên có thể chia làm hai nhóm: Chấp nhận rủi ro thụ động và chấp nhận rủi ro chủ động. Trong chấp nhận rủi ro thụ động, người ta gặp tổn
thất không có sự chuẩn bị trước và có thể vay mượn để khắc phục hậu quả tổn thất. Đối với chấp nhận rủi ro chủ động, người ta lập ra quỹ dự trữ dự phòng va quỹ này chỉ được sử dụng để bù đắp tổn thất do rủi ro gây ra. Tuy nhiên, việc này dẫn đến việc nguồn vốn không được sử dụng một cách tối ưu hoặc nêu đi vay sẽ bị động và còn gặp phải vấn đề gia tăng về lãi suất (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
Trong cuộc sống dù muốn hay không, thì nhiều loại rủi ro đã xuất hiện vẫn tồn tại và sẽ còn chi phối đến cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Rủi ro xẩy ra và nhu cầu cần được bảo hiểm phát sinh. Bảo hiểm là một phần quan trọng của chương trình quản lý rủi ro.
Thực chất của bảo hiểm là quá trình phân phối lại tổng sản phẩm giữa những người tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính phát sinh khi rủi ro bất ngờ xảy ra gây tổn thất đối với người tham gia bảo hiểm. Phân phối trong bảo hiểm là phân phối không đều, không bằng nhau nghĩa là không phải ai tham gia bảo hiểm cũng được phân phối và phân phối số tiền như nhau. Hoạt động bảo hiểm dựa trên nguyên tắc số đông bù số ít. Bảo hiểm có rất nhiều tác dụng đối với người tham gia trong đó quan trọng nhất là góp phẩn ổn định tài chính cho người tham gia trước tổn thất rủi ro xảy ra (Phạm Thị Lam, 2010).
2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến hạn chế rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi lợn
2.1.5.1. Trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của người chăn nuôi
Từ hàng nghìn năm nay đất nước chủ yếu là sống bằng nghề nông nghiệp, bản chất con người Việt Nam vẫn nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó, tính vươn lên trong cuộc sống, đây là điều kiện trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các chủ hộ ở Việt Nam đa số là chưa được qua đào tạo, hoặc được đào tạo chắp vá, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự học hỏi lẫn nhau. Điều này đã khiến không ít người chăn nuôi làm ăn thua lỗ (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
2.1.5.2. Quy mô, diện tích chuồng trại
Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai phì nhiêu, cây cối tươi tốt quanh năm, diện tích đất trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn. Ngoài ra, đất đai còn là một loại hàng hóa đặc biệt, khi có sự đầu tư của con người thì đất đai ngày càng tốt, độ phì ngày càng cao, diện tích đất canh tác ngày càng lớn, chứ không giống loại tài sản khác là có hao mòn, và dẫn đến hư hỏng. Tuy diện tích lớn nhưng đất canh tác của Việt Nam lại thiếu, vì nước ta phân làm bốn vùng
rõ rệt, vùng cao nguyên, vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng. Diện tích vùng đồng bằng phù hợp cho phát triển chăn nuôi thì bình quân trên đầu người lại ít, mà vùng núi và trung du lại nhiều. Để cải tạo và tạo vùng nguyên liệu rộng lớn là rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Ngoài ra, chuồng trại của người dân thường xây bán kiên cố hoặc sử dụng chuồng tạm bợ nên không đảm bảo trong quá trình chăn nuôi, chịu tác động nhiều bởi thiên nhiên bên ngoài và làm tốn nhiều chi phí sửa, chữa chuồng trại hằng năm (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
2.1.5.3. Thị trường tiêu thụ sản phẩm
Sản phẩm nông nghiệp có đặc điểm khi tiêu thụ là sản phẩm tươi sống, khó khăn cho việc bảo quản, sản phẩm nông nghiệp mang tính mùa vụ và có đặc điểm là cung muộn không thể đáp ứng một cách ngay lập tức, vì đối tượng sản xuất nông nghiệp là những sinh vật sống nên cần có thời gian sinh trưởng, phát triển sau đó mới đến bước thu hoạch. Do đó, dù giá nông sản rất cao, các nông sản phải mất hàng tháng, thậm chí phải mất hàng năm mới có được sản phẩm. Khi giá xuống mới có sản phẩm để bán điều này gây nên thiệt hại cho nông hộ.
Khách hàng thu mua sản phẩm nông nghiệp cũng được phân chia thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi đối tượng khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau về sản phẩm mà mình sẽ mua chính vì thế nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mức giá bán ra. Yếu tố thông tin trên thị trường cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ do nếu có thông tin nào sai tác động xấu đến sản phẩm thì giá ngay lập tức sẽ bị giảm và tình hình tiêu thụ sẽ chậm lại.
Chính vì thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông hộ không thể dự doán trước được sự thay đổi của giá cả đầu ra, thị hiếu của người tiêu dùng cùng với yếu tố thông tin tác động rất lớn đến giá bán của người chăn nuôi (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
2.1.5.4. Thị trường đầu vào
Phát triển kinh tế rất khó khăn, nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp phát triển kém. Chính điều này làm mất đi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới. Do vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đang gây ra những bất lợi cho người chăn nuôi nhất là vấn đề giá cả. Giá thức ăn trong nước luôn cao hơn nhiều so với
giá khu vực, và sự biến động phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên khi bắt đầu nuôi người dân không biết khi nào giá tăng hay giảm để có sự đầu tư thích hợp.
Ngoài ra còn một số thông tin về thị trường giá cả các loại chi phí cho việc tiến hành sản xuất chăn nuôi giống, thức ăn gia súc, thuốc thú y quá cao, điều này tất yếu dẫn đến thua lỗ nhiều trong quá trình sản xuất (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
2.1.5.5. Chính sách của nhà nước
Chính sách liên quan đến quản lý rủi ro trong ngành chăn nuôi lợn tập trung nhiều vào phòng tránh rủi ro. Các chính sách này đã phát huy tác dụng trong quản lý rủi ro, nhưng vẫn còn những hạn chế. Việc xây dựng và ban hành chính sách chậm đổi mới, thiếu và chưa đồng bộ, năng lực chuyển giao và hiệu quả thực thi chính sách không cao như chính sách quản lý rủi ro về dịch bệnh, giống, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì thế mà nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự rủi ro trong ngành chăn nuôi lợn thịt ở nông hộ trên địa bàn huyện Đông Anh hiện nay, để giảm rủi ro ta hệ thống chính sách quản lý rủi ro trong ngành chăn nuôi lợn cần được hoàn thiện theo các chuẩn mực quốc tế, quản lý rủi ro dịch bệnh trên phương diện phòng dịch và chống dịch, quản lý rủi ro thị trường trên cơ sở quy hoạch nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y (Nguyễn Văn Huyên, 2014).
2.1.5.6. Các yếu tố tự nhiên
Đây là các yếu tố có sự tác động vô cùng to lớn đến hoạt động của chăn nuôi. Vì đối tượng là các sinh vật sống có thời gian sinh trưởng và phát triển phụ thuộc rất lớn đối với yếu tố tự nhiên. Trong những năm vừa qua đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, bắt đầu nền công nghiệp hóa đất nước hình thành các nhà máy, công xưởng, nhà cửa mọc lên như nấm, cũng đồng nghĩa với việc nạn phá rừng tràn lan gây nên thảm họa về môi trường như hạn hán, lũ lụt xảy ra liên tiếp, môi trường bị tàn phá một cách nghiêm trọng, sự mất cân bằng sinh thái là tất yếu. Cụ thể các loại dịch bệnh luôn hoành hành, làm cho các nhà chăn nuôi luôn phải lo lắng khi hết dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở gia súc, sau đó là dịch bệnh H5N1 xảy ra ở ra cầm, đến nay là dịch bệnh tai xanh,… Thông qua đây ta thấy rằng đối với người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi có quy mô vừa và lớn thì dịch bệnh luôn là mối hiểm họa cao nhất (Nguyễn Văn Huyên, 2014).