Mặc dù thuộc tốp đứng đầu châu Á về sản lượng thịt lợn và đóng góp khoảng 20% trong cơ cấu GDP toàn ngành nông nghiệp, song ngành chăn nuôi nước ta vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn, nhiều nguy cơ phát triển không bền vững.
Trong những năm gần đây, thị trường suy giảm do dịch bệnh liên miên, cộng với nguồn lực tài chính kém, khiến các doanh nghiệp trong nước, trang trại chăn nuôi khó "vượt" qua khó khăn. Có thể nói chưa bao giờ ngành chăn nuôi nước ta gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhất là đối với ngành chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải bỏ nghề, các doanh nghiệp sản xuất trong nước điêu đứng. Ðiều dễ thấy là giá cả bấp bênh, cùng với sức tiêu thụ thực phẩm giảm sút đã tác động rất mạnh đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là giá thành sản xuất luôn bị đẩy cao, cùng với đó là tình trạng thiếu vốn, lãi suất tín dụng... càng làm các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đuối sức trong cuộc cạnh tranh ngay trên "sân nhà".
Trong lúc chăn nuôi trong nước đang gặp khó thì nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và phát triển hệ thống chăn nuôi gia công. Ví dụ như tại HTX chăn nuôi lớn nhất nhì TP Hà Nội, trong tổng số 260 hộ xã viên của HTX, có tới 70% là nuôi gia công cho Công ty CP (Thái-lan) và Japfa (In-đô-nê-xi-a), số hộ còn lại tự tổ chức chăn nuôi theo thị trường. Với tình hình chăn nuôi bấp bênh như hiện nay, số trại nuôi gia công cho nước ngoài sẽ tăng hơn nữa, và lúc đó HTX chỉ còn lại một ít trang trại do các hộ tự quản, nắm giữ; trong đó chủ yếu chỉ là mô hình nuôi các con đặc sản: gà thả vườn, lợn mán, lợn rừng và cá sấu...
Hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65% đến 70% về đầu con và 55% đến 60% về sản phẩm). Hơn thế, vốn đầu tư cho chăn nuôi tập trung vẫn còn hết sức hạn hẹp, chưa được quan tâm một cách đúng mức, lãi suất vừa cao, lại vừa khó tiếp cận. Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư chăn nuôi, song chưa đủ mạnh, chưa có tính kết nối, huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển chăn nuôi cho nên vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi, cũng như những ưu đãi cần thiết cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này. Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống của ngành chăn nuôi chưa được hoàn thiện, nhất là ở các địa phương làm
ảnh hưởng chung đến hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong phạm vi toàn ngành. Ðây cũng chính là yếu thế của ngành trong cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, và cũng tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh xuất hiện với tần suất gia tăng và ngày một ngắn lại. Cộng với đó là công tác kiểm soát, xử lý môi trường chưa thường xuyên cho nên nạn ô nhiễm do chăn nuôi gây ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðể ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta chủ yếu vẫn "chạy" theo dịch để chống chứ chưa chủ động trong phòng dịch, gây tốn kém cho ngân sách cũng như hộ chăn nuôi. Rồi công tác kiểm soát, ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu thực hiện vẫn chưa nghiêm, tạo kẽ hở cho nhập lậu con giống, sản phẩm gia súc, gia cầm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh sản phẩm của ngành. Thêm vào đó, tốc độ tăng trên đầu gia súc, gia cầm nhanh không cân xứng với việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) kéo theo sự nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, con giống, thuốc thú y làm cho giá thành sản phẩm tăng cao hơn các nước trong khu vực, từ đó làm mất sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Hiện tại, có tổng số 38 nhà máy TĂCN tại Việt Nam có sản lượng hơn 100 nghìn tấn/năm (trong đó, 21 nhà máy 100% vốn nước ngoài, 14 nhà máy 100% vốn Việt Nam và ba nhà máy liên doanh). Ðể sản xuất được khoảng 12,7 triệu tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng tám triệu tấn nguyên liệu, trị giá hơn ba tỷ USD. Vì vậy, khi thị trường TĂCN thế giới biến động, ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Mặt khác, so với các nước trong khu vực, giá bán các loại TĂCN trong nước luôn cao hơn khoảng 20%, là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi thua lỗ vì thức ăn hiện chiếm 65 đến 70% giá thành chăn nuôi. Hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã yếu lại còn thiếu, cũng là nguyên nhân gián tiếp làm tăng chi phí trung gian trong phân phối sản phẩm, dẫn đến thực trạng "nông dân bán giá dưới đất, tiểu thương bán giá trên trời", khiến người chăn nuôi bị thua thiệt và người tiêu dùng cũng bị thiệt .
Cũng giống trên thế giới, ở Việt Nam, nông dân cũng đã áp dụng một số biện pháp quản lý rủi ro như đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hầu hết các trang trai chăn nuôi của nông dân đều dựa trên mô hình VAC, VACR. Đặc biệt mô hình VACR là một trong những tiến bộ mới của nền sản xuất nông nghiệp hiện
đại trong việc kết hợp chăn nuôi và khép kín. Đây là một qui trình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và giảm thiểu ở mức tối thiểu của rủi ro trong chăn nuôi.
Đối với hình thức quản lý rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp bằng BHNN ở Việt Nam còn khá mới. Trên thực tế thì đã có bảo hiểm nông nghiệp ngay từ đầu năm 1980, xuất hiện bảo hiểm cây lúa ở hai huyện Vụ Bản và Nam Ninh tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, nhiều lý do hoạt động bảo hiểm gặp nhiều khó khăn dẫn đến doanh thu bảo hiểm giảm dần trong khi tỷ lệ bồi thường thiệt hại lại ở mức cao.
Theo thống kê của cục quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ tài chính, tính đến hết năm 2001 chỉ có 0,19% diện tích cây trồng, 0,24% số trâu bò, 0,1 % đàn lợn, và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm. Trong khi đó, theo Hội nông dân Việt Nam tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm lại rất lớn, tương ứng 8,2% GDP (1994), 10,5% GDP (1997), 4,8% GDP (1999), và 4,57% GDP. (2000). Có thể nói bảo hiểm nông nghiệp là cực kỳ cần thiết đối với người nông dân. Trong đợt cúm gia cầm năm 2010, cả nước đã có trên 38 triệu gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ chiếm gần 15% tổng đàn của cả nước. Xét dưới góc độ tài chính một phần của những tổn thất nêu trên đã có thể được bù đắp nếu những người chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gia cầm được bảo hiểm. Tuy nhiên trong phạm vi cả nước mới chỉ có một đàn gà với tổng số trên 500 con được bảo hiểm với số tiền bồi thường khoảng 12 triệu đồng. Điều này cho thấy một thực tế là trong thời gian qua, nghiệp vụ bảo hiểm vật nuôi nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung ở Việt Nam đã chưa được quan tâm chú ý đúng mức nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
2.2.2.1. Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2013 ở 3 huyện theo Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, BHNN đã giúp nông dân trong huyện yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, đặc biệt là huyện Tam Dương.
Ngay sau khi có quyết định 315, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo nhằm hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để nông dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia BHNN, BCĐ huyện thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc và UBND 3 xã thí
điểm chỉ đạo sâu sát và có những đề xuất kịp thời để chương trình mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân”. Cụ thể, BCĐ huyện đã tổ chức thống kê số lượng từng đối tượng vật nuôi tham gia của các hộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ năng khai thác cho 180 lượt người và cấp Chứng chỉ bảo hiểm cho 31 đại lý, tập huấn cho 360 lượt hộ nông dân về quy trình chăn nuôi. BCĐ huyện đã vận động được 1.073 hộ tham gia, trong đó: Hộ nghèo chiếm 87%, hộ cận nghèo chiếm 2,2%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 10,7% với tổng số trên 300.000 con gia súc, gia cầm. Tổng giá trị bảo hiểm trên 100 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm gần 3,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,2 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc đã chi trả bồi thường cho các hộ chăn nuôi gặp rủi ro của huyện với tổng số tiền trên 128,6 triệu đồng (Thanh Huyền, 2017).
Qua thực tiễn triển khai BHNN, nhận thức của người dân về công tác phát triển chăn nuôi bền vững được nâng cao, nhất là việc phòng chống dịch và lợi ích, sự cần thiết của BHNN. Trong 3 xã của huyện, Hoàng Hoa được đánh giá là địa phương làm tốt nhất trong việc vận động và triển khai thí điểm BHNN cho các hộ nông dân. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2013, BCĐ xã đã vận động được 682 hộ tham gia. Tổng số phí bảo hiểm là hơn 2, 5 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, các hộ tham gia phải đóng hơn 40 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là địa phương duy nhất trong 3 xã tham gia được chi trả bảo hiểm với số tiền hơn 128 triệu đồng, trong đó chủ yếu là bảo hiểm cho lợn thịt và gà thịt.
Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác, khi triển khai chương trình này, huyện Tam Dương gặp không ít khó khăn bởi bảo hiểm vật nuôi còn là một lĩnh vực mới, phức tạp, khó thực hiện do lĩnh vực chăn nuôi hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún chưa thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; người dân chưa quen với BHNN, chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và quyền lợi của mình khi được tham gia. Mặt khác, trong những năm gần đây, do giá bán sản phẩm đầu ra xuống thấp, giá đầu vào liên tục tăng, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, trong khi đó phí bảo hiểm lại cao, đối tượng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, các hộ tham gia còn mang tính chất thăm dò, đối tượng tham gia chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không thuộc diện nghèo và cận nghèo còn ít (Thanh Huyền, 2017).
2.2.2.2. Bình Phước
Mới đây Agribank chi nhánh Bình Phước đã kết nối được giữa người chăn nuôi và tiêu thụ để cho vay. Sau khi doanh nghiệp ký kết với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng sẽ rót thêm số vốn 60 tỷ đồng với lãi suất hợp lý theo chính sách cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian cao điểm dịch bệnh trên gia cầm, nhiều hộ nông dân đã phải chịu thiệt hại lớn do nhiễm dịch nhưng hầu hết các trang trại lớn trên địa bàn vẫn “bình chân như vại’, hoàn toàn không bị bất cứ ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh. Nguyên nhân thoát được nạn dịch là do các trang trại ở đây luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh như: phun thuốc khử trùng, tiêm phòng bệnh ngay từ khi gia cầm nhập chuồng và 6 tháng/lần xét nghiệm máu tìm vi rút gây bệnh… Chính vì vậy, toàn bộ sản phẩm của trang trại khi xuất chuồng đều đảm bảo các tiêu chuẩn hóa sinh, vệ sinh... (Hải Châu, 2017).
Hiện nay, những mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình, công nghệ cao, tự động hóa từ khâu chăm sóc đến khi cho ra thành phẩm đang được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bởi qua quá trình phát triển đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mức độ rủi ro thiệt hại gây ra từ dịch bệnh rất thấp và ít khi xảy ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, tính đến quý I/2014, tổng đàn gia cầm trên địa bàn là 3.359.000 con, trong đó nuôi theo mô hình trang trại, tập trung chiếm hơn 1.166.000 con (40 trang trại). Cùng thời điểm này, dịch bệnh ở một số tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp. Nhưng, giám sát tình hình thực tế trên địa bàn không phát hiện có ổ dịch nào, nhất là trong các trang trại nuôi gà tập trung theo quy mô lớn. Việc chăn nuôi gia cầm theo mô hình trang trại tập trung đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả với địa phương bởi giá trị kinh tế thu về cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Đồng thời, mô hình này lại đảm bảo công tác quản lý, giám sát dễ dàng, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh, chủ động đối phó với dịch bệnh… (Hải Châu, 2017).
Mặc dù nhận thấy giá trị và lợi ích của hai mô hình này có điểm khác nhau rõ rệt, nhưng không phải muốn là có thể nhân rộng nhân tố thuận lợi, do khó khăn và vướng mắc về vốn. Để đầu tư một trang trại nuôi gia cầm theo mô hình tập trung, trang bị dây chuyền xử lý theo công nghệ cao phải mất khoảng 40 - 50 tỷ đồng.
Trước bài toán khó này, Agribank chi nhánh Bình Phước đã kết nối được giữa người chăn nuôi và tiêu thụ để cho vay, tránh rủi ro khó thu hồi vốn trong
chăn nuôi, nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Theo mô hình liên kết, khi có nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ cao, các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị nguồn vốn 25 tỷ đồng. Sau khi doanh nghiệp ký kết với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng sẽ rót thêm số vốn 60 tỷ đồng với lãi suất hợp lý theo chính sách cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn. Với những khoản vay này, mức độ rủi ro rất thấp, do người chăn nuôi đã được đảm bảo về đầu ra. Phía đơn vị tiêu thụ sản phẩm còn tham gia giám sát cũng như cung ứng trang thiết bị, thuốc men tiêm phòng, khử trùng cho doanh nghiệp chăn nuôi nên có thể phòng tránh được cả rủi ro về dịch bệnh (Hải Châu, 2017).
Đến nay, riêng Agribank chi nhánh Bình Phước đã triển khai cho vay được 5 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo công nghệ cao với dư nợ hơn 250 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này bởi không chỉ đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp chăn nuôi, phân phối, tiêu thụ mà còn có tác động tích cực đến quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên cây trồng, vật nuôi theo đúng chủ trương Chính phủ đưa ra.