Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại đã đáp ứng được sự gia tăng cả về qui mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớn dân cư có thu nhập khác nhau, tại các vùng, địa phương khác nhau trong cả nước. Xu hướng thay thế các loại hình bán lẻ truyền thống bằng các loại hình bán lẻ hiện đại đang diễn ra khá mạnh mẽ ở các đô thị lớn, nhất là ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài tại VN đã góp phần nâng cao văn minh thương mại, văn minh đô thị... Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới bán lẻ ở nước ta hiện nay còn những hạn chế như: chủ yếu là các cơ sở nhỏ và siêu nhỏ của các hộ kinh doanh; lực lượng chủ lực, trực tiếp bán lẻ hàng tiêu dùng vẫn chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ, trình độ, kỹ năng kinh doanh thấp; phân bố chủ yếu theo các trục giao thông gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông; mạng lưới bán lẻ tại các vùng sâu, vùng xa còn mỏng… (Hoàng Thọ Xuân và Phạm Văn Kiệm, 2013).
Để cạnh tranh tốt hơn trong việc thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ trước hết cần phải lưu tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, nhiều người tiêu dùng cho biết, việc hàng hóa đa dạng, có nhiều chủng loại là nguyên nhân chính đưa họ đến với các nhà bán lẻ (bao gồm cả bán lẻ tiêu dùng nhanh và bán lẻ hàng lâu bền) (Minh Hạnh, 2017).
Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng (Minh Hạnh, 2017).