* Kinh nghiệm phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng ở tỉnh Bạc Liêu
Theo Minh Luân (2018), trong quá trình phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng tỉnh Bạc Liêu đã đạt được và còn gặp phải một số vấn đề sau:
Thị trường bán lẻ tỉnh Bạc Liêu sôi động, doanh thu dịch vụ tăng trưởng giúp năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng tăng lên. Đến thời điểm này, có rất nhiều thương hiệu nổi bật của ngành bán lẻ có mặt trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, FPT shop, Siêu thị Co.opmart, Vincom Plaza, Siêu thị Điện máy xanh, Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim… Cùng với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cửa hàng kinh doanh, hệ thống chợ với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bán lẻ trong tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Mặc dù điều kiện tự nhiên của tỉnh tương đối thuận lợi cho việc lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, song do
vốn đầu tư cho các công trình phục vụ hoạt động bán lẻ như trung tâm thương mại, siêu thị… khá cao, trong khi điều kiện kinh tế người tiêu dùng nông thôn còn hạn chế nên nhà đầu tư còn ngần ngại. Việc tiếp cận thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa của một số doanh nghiệp chủ yếu còn mang tính đơn lẻ, tự phát, có tính chất thăm dò là chính. Nguồn nhân lực tham gia hoạt động thương mại bán lẻ còn hạn chế về kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa đạt được như mong đợi….
Dù còn nhiều khó khăn, song, theo nhận định của Sở Công thương, từ nay đến cuối năm 2018, thị trường bán lẻ trong tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển khá do cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Để đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11% so với năm 2017, Sở Công thương thực hiện nhiều biện pháp để kích thích thị trường bán lẻ sôi động hơn. Đó là tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ; tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích người tiêu dùng chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo tốt nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng… Qua đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, thúc đẩy cung - cầu, giúp doanh nghiệp, các nhà bán lẻ mạnh dạn đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Kinh nghiệm phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng ở Đà Nẵng
Thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng Đà Nẵng được đánh giá là có sự phát triển ấn tượng nhờ hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động. Hiện hầu hết những nhà bán lẻ tên tuổi đều có mặt tại đây như hệ thống siêu thị Big C, hệ thống Thế giới di động, Điện máy xanh, Vinmart, Co.opmart, … (Hải Lý, 2017)
Sự phát triển của Đà Nẵng nằm ở cách làm riêng tự hoàn thiện hạ tầng cơ sở trước, thu hút đầu tư sau. Nhất là để phát triển thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, chính quyền Đà Nẵng đã và đang có những bước quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng hiện đại với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn. Tính đến hết năm 2017, Đà Nẵng đã có 73 trung tâm thương mại, siêu thị và 69 chợ các loại, trong đó có 8 chợ loại 1 (Hải Lý, 2017).
Đà Nẵng đang thực hiện xây dựng lại các chợ theo quy hoạch để xóa bỏ các chợ tự phát, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại (Thái Hòa – 2007).
Cùng với đầu tư xây dựng chợ, nâng cấp chỉnh trang lại các chợ truyền thống, việc phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng, hình thành các trung tâm thương mại lớn, các khu phố chuyên doanh, phát triển thêm các của hàng bán lẻ, tự chọn hoặc các siêu thị nhỏ tại các khu vực đông dân cư là định hướng mà Đà Nẵng đang chỉ đạo triển khai (Hải Lý, 2017).
Định hướng phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử (Hải Lý, 2017).
* Kinh nghiệm phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng ở thành phố Bắc Ninh
Theo ML (2018), trong quá trình phát triển các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng thành phố Bắc Ninh đã đạt được và còn gặp phải một số vấn đề sau:
Ngày 15/7/2016, BCH Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết trên, UBND thành phố đã khẩn trương rà soát, bổ sung Quy hoạch hệ thống thương mại, dịch vụ trong đó xác định rõ các vị trí để ưu tiên xây dựng các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, … Đồng thời, hỗ trợ tích cực giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thông tin, đảm bảo an ninh trật tự, … Triển khai nhiều quy hoạch chiến lược và công bố công khai theo đúng quy định để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thành phố tô chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn, qua đó thông tin kịp thời đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của thành phố, phối hợp, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp.
Cùng với tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống chợ, chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ thành các siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo hướng văn minh, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.