Thách thức và cũng là cơ hội lớn nhất đối với sự phát triển của các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng chính là thói quen tiêu dùng của người dân thành phố Vĩnh Yên. Thói quen tiêu dùng đã được hình thành từ rất lâu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng do đó nó sẽ không thể thay đổi một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Thói quen tiện đâu mua đó, nhanh chóng đơn giản và không cần hóa đơn của phần lớn người tiêu dùng vẫn đang giúp các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng truyền thống tồn tại và chiếm ưu thế, bên cạnh đó người Việt không có những thói quen phù hợp với các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại như ra ngoài vào ban đêm, tự phục vụ. Người tiêu dùng thành phố Vĩnh Yên không có thói
quen ra ngoài cũng như mua đồ vào ban đêm, ghé qua cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn đen lên xe ngồi ăn như Nhật Bản, Mỹ, … Người ra ngoài vào ban đêm chủ yếu là thanh thiếu niên, họ thường chỉ thích ngồi các quán vỉa hè ăn bún, phở, … hơn là vào các cửa hàng tiện ích mua một cái bánh mỳ, chai nước hay một hộp mỳ ăn liền. Trong tổng số 150 người tiêu dùng được điều tra, có tới 114 người chiếm 76% vẫn ưu tiên lựa chọn chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ của hộ gia đình cho nhu cầu mua sắm.
Các bà, các chị đã quen với thói quen đi chợ vào buổi sáng, họ đi chợ vì thích không khí của chợ búa, đi chợ để có cơ hội gặp gỡ bàn tán về những chuyện trong cuộc sống đời thường, đi chợ để mặc cả kỳ kèo, … Tất cả những điều này cửa hàng tiện lợi, siêu thị không thể thay thế. Đây chính là thế mạnh, lợi thế cho các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng, tuy nhiên nếu không có sự thay đổi để bắt kịp xu thế các loại hình này sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại đang vươn lên.
Tại các thành phố đang phát triển trên cả nước, trong đó có thành phố Vĩnh Yên nét văn hóa đô thị đang dần thâm nhập vào phong cách sống của từng hộ gia đình. Giờ đây các bà nội trợ đã năng động, cởi mở, lịch thiệp và có yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng hàng hóa. Đặc điểm văn hóa thành thị đã từng bước ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi thái độ, thị hiếu khách hàng trong việc lựa chọn và quyết định tiêu dùng cũng như địa điểm mua sắm phù hợp. Trong tổng số 150 người tiêu dùng được điều tra phân theo công việc có 45% công chức, viên chức; 18,33% công nhân; 42,11% người kinh doanh buôn bán ưu tiên lựa chọn siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn so với chợ và cửa hàng bán lẻ của hộ gia đình. Qua những con số trên, có thể nhận thấy thói quen của những người tiêu dùng có trình độ dân trí cao, thu nhập khá đang thay đổi khá nhanh, đòi hỏi các loại hình bán lẻ truyền thống phải có sự thay đổi để bắt kịp nếu không muốn bị xóa sổ.
Hệ thống chợ, các cửa hàng bán lẻ hộ gia đình nằm ở mọi ngóc ngách dù gì đi chăng nữa vẫn mang trong mình những ưu điểm phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt, các loại hàng hóa bán ở chợ, cửa hàng bán lẻ luôn rẻ hơn so với hàng hóa cùng loại được bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhưng cũng không thể phủ nhận được cơ hội mới mà các loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại nhận được khi trong xu thế tiêu dùng hiện đại người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ và dịch vụ khách hàng. Người tiêu dùng đang sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản
phẩm có chất lượng tốt hơn và được lựa chọn ở nơi sạch sẽ, được người bán giới thiệu nhiệt tình.
Mỗi loại hình bán lẻ hàng tiêu dùng đều có những cơ hội, thách thức riêng vì vậy để tồn tại và phát triển đòi hỏi phải có những sự thay đổi để thích nghi với văn hóa tiêu dùng của người Việt nói chung, thành phố Vĩnh Yên nói riêng.