Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Đặc điểm và phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
2.2.3. Đặc điểm, phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
2.2.3.1. Đặc điểm đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Trong quá trình khai thác sử dụng đất nông nghiệp con người luôn mong muốn thu được nhiều sản phẩm nhất trên một đơn vị diện tích với chi phí thấp nhất. Điều đó khẳng định khi đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trước hết phải được xác định bằng kết quả thu được trên một đơn vị diện tích cụ thể thường là 1 ha tính trên một đồng chi phí, một lao động đầu tư. Như vậy một trong những đặc điểm để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là hiệu quả kinh tế.
Trên đất nông nghiệp có thể bố trí các cây trồng, các hệ thống luân canh, do đó cần phải đánh giá hiệu quả từng loại cây trồng, từng công thức luân canh.
Thâm canh là biện pháp sử dụng đất nông nghiệp theo chiều sâu, tác động đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trước mắt và lâu dài. Vì thế cần phải nghiên cứu hậu quả của việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, nghiên cứu ảnh hưởng của việc tăng đầu tư thâm canh đến quá trình sử dụng đất.
Phát triển nông nghiệp chỉ có thể thích hợp khi con người biết làm cho môi trường cùng phát triển. Do đó khi đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cần quan tâm đến những ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp đến môi trường xung quanh.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính xã hội sâu sắc. Vì vậy khi đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cũng cần phải quan tâm đến những tác động của sản xuất nông nghiệp đến các vấn đề xã hội khác như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ dân trí nông thôn…
Tóm lại đánh giá hiệu quả phải được xem xét một cách toàn diện cả về mặt thời gian và không gian trong mối quan hệ hiệu quả chung của toàn nền kinh
tế. Hiệu quả đó bao gồm: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường. Ba loại hiệu quả này có mối quan hệ mật thiết với nhau như một thể thống nhất và không thể tách rời (Vũ Thị Bình, 1993).
2.2.3.2. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Tùy theo nội dung của hiệu quả mà có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau ở mỗi thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Theo đa số các nhà kinh tế cho rằng, tiêu chuẩn cơ bản và tổng quát khi đánh giá hiệu quả là mức độ đáp ứng nhu cầu xã hội và sự tiết kiệm lớn nhất về chi phí các nguồn tài nguyên, sự ổn định lâu dài của hiệu quả.
Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp có thể xem xét ở các mặt sau:
- Đối với nông nghiệp, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả là mức đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường do xã hội đặt ra như: tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng và tổng sản phẩm hướng tới thỏa mãn tốt nhu cầu nông sản cho thị trường trong nước và tăng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
- Sử dụng đất phải đảm bảo cực tiểu hóa chi phí các yếu tố đầu vào, theo nguyên tắc tiết kiệm khi cần sản xuất ra một lượng nông sản nhất định hoặc thực hiện cực đại hóa lượng nông sản khi có một lượng nhất định đất nông nghiệp và các yếu tố đầu vào khác.
- Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp có đặc thù riêng, trên một đơn vị đất nông nghiệp nhất định có thể sản xuất sẽ đạt được kết quả cao nhất với chi phí bỏ ra ít nhất và hạn chế ảnh hưởng môi trường. Đó là phản ánh kết quả quá trình đầu tư sử dụng các nguồn lực thông qua đất, cây trồng, thực hiện quá trình sinh học để tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường xã hội với hiệu quả cao.
- Tiêu chuẩn đảm bảo hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong cung cấp tư liệu sản xuất, xử lý chất thải có hiệu quả.
- Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp, hệ thống môi trường sinh thái nông nghiệp, những người sống bằng nông nghiệp. Vì vậy, đánh giá hiệu quả sử dụng đất bền vững hướng vào tiêu chuẩn chung như sau:
+ Bền vững về mặt kinh tế: hệ thống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao phát triển ổn định, được thị trường chấp nhận. Do đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là thực hiện tập trung, chuyên canh với đa dạng hóa sản phẩm.
+ Bền vững về mặt xã hội: thu hút nguồn lao động trong nông nghiệp, tăng thu nhập, tăng năng suất lao động, đảm bảo đời sống xã hội.
+ Bảo vệ môi trường: loại sử dụng đất có hiệu quả cao phải bảo vệ độ phì đất, ngăn ngừa sự thoái hóa đất, bảo vệ môi trường tự nhiên.
2.2.3.3. Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
a. Cơ sở để lựa chọn hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quả sử dụng đất nông nghiệp
- Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. - Nhu cầu của địa phương về phát triển hoặc thay đổi loại sử dụng đất nông nghiệp.
- Các khả năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các tiến bộ kỹ thuật mới được đề xuất cho các thay đổi sử dụng đất đó.
b. Nguyên tắc khi lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
- Hệ thống chỉ tiêu phải có tính thống nhất, tính toàn diện và tính hệ thống. Các chỉ tiêu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phải đảm bảo tính so sánh có thang bậc (Nguyễn Đình Hợi, 1993).
- Để đánh giá chính xác, toàn diện cần phải xác định các chỉ tiêu chính, các chỉ tiêu cơ bản, biểu hiện mặt cốt yếu của hiệu quả theo quan điểm và tiêu chuẩn đã chọn, các chỉ tiêu bổ sung để hiệu chỉnh chỉ tiêu chính, làm cho nội dung kinh tế biểu hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn.
- Hệ thống chỉ tiêu biểu hiện hiệu quả một cách khách quan, chân thật và đúng đắn nhất theo tiêu chuẩn và quan điểm đã vạch ra ở trên để soi sáng sự lựa chọn các giải pháp tối ưu và phải gắn với cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với đặc điểm và trình độ hiện tại của nền kinh tế.
- Các chỉ tiêu phải phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển nông nghiệp ở nước ta, đồng thời có khả năng so sánh quốc tế trong quan hệ đối ngoại nhất là những sản phẩm có khả năng suất khẩu.
- Hệ thống chỉ tiêu phải đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn và phải có tác dụng kích thích sản xuất phát triển.
Dựa trên cơ sở khoa học nghiên cứu hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong phạm vi nghiên cứu của đề tài chúng tôi lựa chọn các chỉ tiêu sau.
c. Hệ thống chỉ tiêu trong tính toán hiệu quả kinh tế
Có hai cách tính hiệu quả kinh tế sử dụng đất: - Cách tính thứ nhất
+ Giá trị sản xuất (GTSX): là giá trị toàn bộ sản phẩm sản xuất ra trong kỳ sử dụng đất (một vụ, một năm, tính cho từng cây trồng và có thể cho cả kiểu sử dụng đất hay hệ thống sử dụng đất).
+ Chi phí trung gian (CPTG): là toàn bộ chi phí vật chất qui ra tiền sử dụng đất trực tiếp cho quá trình sử dụng đất (giống, phân bón, thuốc hóa học, dụng cụ, nhiên liệu, nguyên liệu…).
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả:
+ Giá trị gia tăng (GTGT): là giá trị mới tạo ra trong quá trình sản xuất được xác định bằng giá trị sản xuất trừ chi phí trung gian.
GTGT = GTSX – CPTG
Thường tính toán ở 3 góc độ hiệu quả: GTGT/1 ha đất nông nghiệp.
GTGT/ 1 đơn vị chi phí (1VNĐ, 1USD...). GTGT/1 công lao động.
+ Thu nhập hỗn hợp (TNHH): là thu nhập sau khi đã trừ các khoản chi phí trung gian, thuế hoặc tiền thuế đất, khấu hao tài sản cố định, chi phí lao động thuê ngoài:
TNHH = GTGT – T (thuế) – A (khấu hao) – L (chi phí lao động thuê ngoài) Thường tính toán ở 3 góc độ hiệu quả:
TNHH/1 ha đất nông nghiệp.
TNHH/ 1 đơn vị chi phí (1VNĐ, 1USD...). TNHH/1 công lao động.
- Cách tính thứ hai:
+ Giá trị sản xuất (GTSX).
+ Chi phí biến đổi (VC) hay chi phí khả biến: là chi phí thay đổi khi qui mô năng suất và khối lượng đầu ra thay đổi.
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế:
+ Lãi thô (GM): là phần dôi ra khi so sánh giá trị sản xuất với chi phí biến đổi. GM = GTSX – VC
Thường tính toán ở 3 góc độ hiệu quả: GM/1ha đất nông nghiệp.
GM/ 1 đơn vị chi phí (1 VNĐ, 1 USD...). GM/1 công lao động.
+ Chi phí cố định (FC) hay chi phí bất biến: là chi phí không thay đổi khi qui mô năng suất và lượng đầu ra thay đổi.
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế:
+ Lãi ròng (NI) còn gọi là lãi tinh hay lãi thuần: là phần lãi còn lại sau khi sử dụng toàn bộ chi phí biến đổi và chi phí cố định.
NI = GM – FC
Thường tính toán ở 3 góc độ hiệu quả: NI/1 ha đất nông nghiệp.
NI/ 1 đơn vị chi phí (1VNĐ, 1USD...). NI/1 công lao động.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi lựa chọn cách tính thứ nhất vì cách tính này thường áp dụng tính cho các hộ nông dân, các trang trại qui mô nhỏ chưa bóc tách được chi phí lao động.
d. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội
* Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội là mối tương quan so sánh giữa kết quả xét về mặt xã hội và tổng chi phí bỏ ra. Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau và là một phạm trù thống nhất.
Hiệu quả xã hội hiện nay phải thu hút nhiều lao động, đảm bảo đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, nội lực và nguồn lực của địa phương được phát huy, đáp ứng nhu cầu của hộ nông dân về việc ăn mặc và nhu cầu sống khác. Sử dụng đất phải phù hợp với tập quán, nền văn hoá của địa phương thì việc sử dụng đất bền vững hơn. Theo Nguyễn Duy Tính (1995) hiệu
quả về mặt xã hội của sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu được xác định bằng khả năng tạo việc làm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
Hiệu quả xã hội được phân tích bởi các chỉ tiêu sau (Hội khoa học đất, 2000): - Đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân - Đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của vùng
- Thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân - Góp phần định canh định cư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật - Tăng cường sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu.
Theo (Nguyễn Văn Toàn, 2002) để đánh giá chỉ tiêu hiệu quả xã hội của các kiểu sử dụng đất nên chọn 3 hoặc 4 chỉ tiêu gồm khả năng thu hút lao động, giá trị ngày công lao động thu được khi thực hiện kiểu sử dụng đất đã chọn, khả năng tiêu thụ sản phẩm và mức độ chấp nhận của người dân. Các chỉ tiêu này được phân cấp thành 3 mức độ, cao thấp và trung bình. Đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu cũng cần có tiêu chí phù hợp.
e. Các chỉ tiêu về hiệu quả môi trường
Theo Đỗ Nguyên Hải (1999), chỉ tiêu đánh giá chất lượng của môi trường trong quản lý sử dụng đất đai bền vững ở vùng nông nghiệp được tưới là:
- Sự thích hợp với môi trường đất khi thay đổi kiểu sử dụng đất; - Quản lý đối với đất đai rừng đầu nguồn;
- Đánh giá các nguồn tài nguyên nước bền vững; - Đánh giá quản lý đất đai;
- Đánh giá hệ thống sản xuất cây trồng;
- Đánh giá tính bền vững đối với việc duy trì độ phì của đất và bảo vệ cây trồng;
- Đánh giá về quản lý và bảo vệ tự nhiên.
Việc xác định hiệu quả về mặt môi trường của quá trình sử dụng đất nông nghiệp là rất phức tạp, rất khó định lượng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích trong một thời gian dài. Vì vậy, đề tài nghiên cứu của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc đánh giá hiệu quả môi trường thông qua việc đánh giá thích hợp của các cây trồng đối với điều kiện đất đai hiện tại, thông qua kết quả điều tra về đầu tư
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mức độ che phủ và kết quả phỏng vấn hộ nông dân về nhận xét của họ đối với các loại sử dụng đất hiện tại.
Như vậy, để đánh giá hiệu quả sử dụng đất cần kết hợp chặt chẽ giữa ba hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường trong một thể thống nhất. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện cụ thể mà ta có thể nhấn mạnh từng hệ thống chỉ tiêu ở mức độ khác nhau.