Những nghiên cứu trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 32 - 33)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

2.3.1. Những nghiên cứu trên thế giới

Diện tích đất đai có hạn trong khi dân số ngày càng tăng, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Các phương pháp đã được nghiên cứu, áp dụng dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp được tiến hành ở các nước Đông Nam Á như: phương pháp chuyên khảo, phương pháp mô phỏng, phương pháp phân tích kinh tế, phương pháp phân tích chuyên gia... Bằng những phương pháp đó, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu đánh giá hiệu quả đối với từng loại cây trồng, từng giống cây trồng trên mỗi loại đất, để từ đó có thể bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm khai thác tốt hơn lợi thế so sánh của từng vùng.

Hàng năm, các viện nghiên cứu nông nghiệp ở các nước đã đưa ra nhiều giống cây trồng, công thức luân canh mới giúp sử dụng đất ngày càng có hiệu quả hơn. Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) đã có nhiều thành tựu về lĩnh vực giống lúa và hệ thống cây trồng trên các loại đất canh tác.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng quá trình phát triển của hệ thống nông nghiệp nói chung và hệ thống cây trồng nói riêng là sự phát triển đồng ruộng đi từ đất cao đến đất thấp. Điều đó có nghĩa là hệ thống cây trồng đã phát triển trên đất cao trước, sau đó mới đến đất thấp. Đó là quá trình hình thành của hệ sinh thái đồng ruộng. Nhà khoa học Otak Tanaka đã nêu lên những vấn đề cơ bản về sự hình thành của sinh thái đồng ruộng và từ đó cho rằng yếu tố quyết định của hệ thống nông nghiệp là sự thay đổi về kỹ thuật, KT-XH.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng, hiệu quả sử dụng đất thông qua hệ thống cây trồng trên các loại đất canh tác là sự phối hợp giữa các cây trồng và gia súc, các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi, cường độ lao động, vốn đầu tư, tổ chức sản xuất, sản phẩm làm ra, tính chất hàng hóa của sản phẩm.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc khai thác và sử dụng đất đai là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách quản lý và sử dụng đất đai, ổn định chế độ sở hữu, giao đất cho nông dân sử dụng, thiết lập hệ thống trách nhiệm và tính chủ động sáng tạo của nông dân trong sản xuất. Thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, đã thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn phát triển toàn diện và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Ở Thái Lan, Uỷ ban chính sách Quốc gia đã có nhiều quy chế mới ngoài hợp đồng cho tư nhân thuê đất dài hạn, cấm trồng những cây không thích hợp trên từng loại đất nhằm quản lý việc sử dụng và bảo vệ đất tốt hơn.

Một trong những chính sách tập trung vào hỗ trợ phát triển nông nghiệp quan trọng nhất là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ở Mỹ tổng số tiền trợ cấp là 66,2 tỉ USD (chiếm 28,3% tổng thu nhập nông nghiệp), Canađa là 5,7 tỉ USD (chiếm 39,1%), Oxtraylia là 1,7 tỉ USD (chiếm 14,5%), Cộng đồng châu Âu là 67,2 tỉ USD (chiếm 42,1%), Nhật Bản là 42,3 tỉ USD (68,9%).

Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các nước đã gắn phương thức sử dụng đất truyền thống với phương thức hiện đại và chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Các nước châu Á đã rất chú trọng trong việc đẩy mạnh công tác thủy lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các công thức luân canh để ngày càng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Một mặt phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, gắn sự phát triển công nghiệp với bảo vệ môi sinh, môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)