Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 37 - 39)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

2.3.3. Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

Nam Định và huyện Mỹ Lộc

2.3.3.1. Tình hình nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Nam Định

Nam Định là tỉnh trọng điểm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, có tổng diện tích 1.651,42 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 68,7% diện tích tự nhiên. Với lợi thế đất đai màu mỡ, chủ động nước tưới, Nam Định có tiềm năng phát triển nền nông nghiệp đa dạng. Trong những năm gần đây, Nam Định đang từng bước chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa vừa để đảm bảo an ninh lương thực vừa có nông sản xuất khẩu.

Từ năm 1960 – 1967 cùng với công tác nghiên cứu phân loại đất trên toàn miền Bắc, ở Nam Định các nghiên cứu phân loại và xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/50.000 được tiến hành do các nhóm tác giả V. M Fritland, Bùi Xuân Sơn, Nguyễn Văn Tích và các cộng tác viên thực hiện theo hệ thống phân loại phát sinh.

Từ năm 1967 đến năm 1995 phòng Thổ nhưỡng – Nông hóa tỉnh Nam Hà tiếp tục điều tra, khảo sát xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất cho các HTX trong tỉnh.

Từ năm 1995 đến năm 2002 Trạm Nông hóa và Cải tạo đất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp I đã tiến hành thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát, xây dựng tài liệu và bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/50.000 tỉnh Nam Định theo tiêu chuẩn quốc tế FAO/UNESCO”.

Năm 2014 Nguyễn Hữu Thành và Nguyễn Thị Thu Trang đã nghiên cứu công trình sự bền vững đất cửa sông, kinh nghiệm từ sử dụng đất đất cửa Ba Lạt, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (Nguyễn Hữu Thành và Nguyễn Thị Thu Trang, 2014).

Công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Nam Định được Xuân Thị Thu Thao và các công sự đề cập trong nghiên cứu kết quả thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2015 (Xuân Thị Thu Thảo và cs., 2015).

Năm 2015 Trần Thị Giang Hương và cộng sự đã nghiên cứu thực trạng và định hướng sử dụng đất tỉnh Nam Định trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhằm góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu (Trần Thị Giang Hương và cs., 2015).

Các công trình khoa học trên đã góp phần rất lớn vào thành quả phát triển nông thôn của tỉnh. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các nông hộ là những đơn vị sản xuất độc lập, sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo cơ chế thị trường. Do đó, để định hướng đúng cho việc quản lý sử dụng đất đai đòi hỏi đánh giá đất phải tiếp cận ở phạm vi vùng lãnh thổ hẹp với điều kiện sinh thái đặc thù. Những đánh giá ở mức độ chi tiết đặc biệt càng có ý nghĩa quan trọng trong những vùng sản xuất nông nghiệp có điều kiện đất đai đa dạng như huyện Mỹ Lộc nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

2.3.3.2. Tình hình nghiên cứu trên địa bàn huyện Mỹ Lộc

Mỹ Lộc là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nam Định. Về mặt địa lý huyện Mỹ Lộc có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Nền nông nghiệp của huyện trong những năm qua nhất là trong thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn năm 2015 đạt 305,358 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực quy thóc là 39.489,20 tấn.

Ngành nông nghiệp của huyện Mỹ Lộc đã giải quyết được căn bản lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong huyện và một phần cung cấp cho thị trường. Tỷ trọng cây thực phẩm, cây ăn quả,… đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Chăn nuôi phát triển đều và có tốc độ khá.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào có quy mô lớn và có ý nghĩa thực tiễn về hiệu quả sử dụng đất. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của huyện là hết sức cần thiết nhằm phát triển nhanh hơn và bền vững hơn nền kinh tế nông nghiệp của huyện.

Vì vậy, Mỹ Lộc cần phải nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các giải pháp đất đai phù hợp, thiết thực với điều kiện cụ thể của huyện, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cả trước mắt và lâu dài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)