Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 33 - 37)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

2.3.2. Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nước

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới ẩm, có nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đất có hạn, dân số lại đông, bình quân đất tự nhiên/người là 0,43 ha, chỉ bằng 1/3 mức bình quân của thế giới. Mặt khác, dân số tăng nhanh làm cho bình quân diện tích đất trên đầu người ngày càng giảm. Theo dự kiến, nếu tốc độ tăng dân số là 1- 1,2%/ năm thì dân số Việt Nam sẽ là 91,9 triệu người vào năm 2015. Vì thế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác là yêu cầu cần thiết đối với Việt Nam trong những năm tới (Nguyễn Thị Vòng và cs., 2001). Vì thế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là yêu cầu cần thiết đối với Việt Nam trong những năm tới.

Đầu những năm 1960, Bùi Huy Đáp và cộng sự đã nhận ra rằng các giống lúa Xuân cao cây hiện có thời ấy đều cho năng suất cao hơn lúa chiêm truyền thống. Ông đề xuất phong trào nông dân làm ruộng thí nghiệm ở 2 tỉnh Nam Hà và Thái Bình. Kết quả là năm 1966 Hải Hậu trở thành huyện đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha và Thái Bình thành tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Năm 1968, Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng việc nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới (IR8) để hình thành vụ lúa Xuân và mở thêm vụ Đông ở miền Bắc nước ta. Tại Hội nghị khoa học quốc tế về cây lúa ở Bắc Kinh (1968), GS Bùi Huy Đáp đã trình bày bản báo cáo khoa học nổi tiếng “Cây lúa vụ Xuân và cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc Việt Nam” gây tiếng vang trong giới học giả từ các nước trồng lúa.

Giống lúa xuân, ngắn ngày IR8 của IRRI (ở miền Bắc gọi là Nông nghiệp 8, ở miền Nam gọi là giống “Thần nông”), thấp cây cho năng suất cao (tiềm năng đến 8 tấn/ha) đã thay thế giống lúa chiêm dài ngày, cao cây, dễ đổ, năng suất thấp. Năm 1968, Hợp tác xã Hồng Thắng (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã đạt sản lượng 4,5 - 5,0 tấn/ha (gấp 3 lần lúa vụ chiêm – 1,8 tấn/ha) và năm 1969 Hải Hậu đã đưa diện tích cấy lúa Xuân lên 70%. Cùng năm, Thái Bình đưa diện tích lúa Xuân lên 50% đều bội thu lớn, dẫn đến quyết định khẳng định vụ Xuân trở thành vụ chính vào năm 1970. Năm 1971, ông Bùi Huy Đáp đề nghị cho mở rộng vụ lúa Xuân ra toàn miền Bắc, làm mạ khay, mạ sân chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ. Thời gian sản xuất lúa xuân được rút ngắn lại, số ngày dư ra cho phép tăng thêm vụ Đông.

Vấn đề luân canh bố trí hệ thống cây trồng để tăng vụ, gối vụ, trồng xen để sử dụng tốt hơn tiềm năng về đất đai, khí hậu được nhiều tác giả đề cập đến. Công trình nghiên cứu phân vùng sinh thái, hệ thống giống lúa, hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì cũng đưa ra một số kết luận về phân vùng sinh thái và hướng áp dụng những giống cây trồng trên những vùng sinh thái khác nhau nhằm khai thác sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đào Thế Tuấn và cs., 1998).

Vùng đồng bằng sông Hồng với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 44% tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng. Trong đó có gần 90% đất nông nghiệp dùng để trồng trọt (Dự án quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng, 1994). Vì

vậy, đây là nơi thu hút nhiều công trình nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng cho việc xây dựng các hệ thống cây trồng và sử dụng đất thích hợp. Trong đó phải kể đến các công trình như: Nghiên cứu đưa cây lúa xuân đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng (Ngô Thế Dân, 2001); Vấn đề luân canh bố trí hệ thống cây trồng để tăng vụ, gối vụ, trồng xen để sử dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, khí hậu (Nguyễn Điền, 2001); Hiệu quả sử dụng đất canh tác trên đất phù sa sông Hồng huyện Mỹ Văn - Tỉnh Hải Hưng của tác giả Vũ Thị Bình (1993); Đánh giá kinh tế đất lúa vùng đồng bằng sông Hồng của tác giả Quyền Đình Hà (1993); Quy hoạch sử dụng đất vùng đồng bằng sông Hồng (Phùng Văn Phúc, 1996).

Thực tế trong những năm qua chúng ta đã quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật và kinh tế, tổ chức trong sử dụng đất nông nghiệp, việc nghiên cứu và ứng dụng được tập trung vào các vấn đề như: lai tạo các giống cây trồng mới ngắn ngày có năng suất cao, bố trí luân canh cây trồng phù hợp với từng loại đất, thực hiện thâm canh trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các công trình có giá trị trên phạm vi cả nước phải kể đến công trình nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng đất theo quan điểm sinh thái và phát triển lâu bền (Trần An Phong, 1995).

Chương trình quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng (VIE/89/032) đã nghiên cứu đề xuất dự án phát triển đa dạng hóa nông nghiệp đồng bằng sông Hồng (Dự án Quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng, 1994). Các công trình nghiên cứu đã vận dụng phương pháp đánh giá đất đai của FAO thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/250000 cho phép đánh giá ở mức độ tổng hợp phục vụ cho quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng.

Đề tài đánh giá hiệu quả một số mô hình đa dạng hóa cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng (Vũ Năng Dũng, 1997) cho thấy, ở vùng này đã xuất hiện nhiều mô hình luân canh 3 – 4 vụ/năm đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ở vùng ven đô, vùng tưới tiêu chủ động đã có những điển hình về sử dụng đất đai đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được bố trí trong công thức luân canh: cây ăn quả, hoa, cây thực phẩm cao cấp, đạt giá trị sản lượng bình quân từ 30 – 35 triệu đồng/năm.

Từ năm 1995 đến năm 2000, Nguyễn Ích Tân đã tiến hành nghiên cứu tiềm năng đất đai, nguồn nước và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm khai

thác có hiệu quả kinh tế cao đối với vùng úng trũng xã Phụng Công-huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trên đất vùng úng trũng Phụng Công - huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên có thể áp dụng mô hình lúa xuân - cá hè đông cho lãi từ 9258 - 12527,2 ngàn đồng/ha. Mô hình lúa xuân - cá hè đông và cây ăn quả, cho lãi từ 14315,7 - 18949,25 nghìn đồng/ha (Nguyễn Ích Tân, 2000).

Năm 2001, Đỗ Thị Tám tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số LUT điển hình không những cho hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng mà còn có thể tạo được nhiều việc làm có giá trị ngày công lao động cao như: LUT cây ăn quả, LUT lúa – cá, LUT chuyên màu. Có thể nhận thấy rằng các nghiên cứu về đất và sử dụng đất là những cơ sở cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cho các định hướng sử dụng và bảo vệ môi trường (Đỗ Thị Tám, 2001).

Năm 2009, Phạm Văn Dự đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp vùng đồng bằng Sông Hồng. Theo kết quả nghiên cứu tính đến năm 2006, đồng bằng sông Hồng có diện tích xấp xỉ 15.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 855 ngàn ha, bằng 57% tổng diện tích tự nhiên. Tổng dân số là 17,6 triệu người, trong đó 13,4 triệu là dân số nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, trong những năm qua, do các thửa ruộng manh mún, cách làm ăn cá thể, nhỏ lẻ đã đẩy chi phí sản xuất lên rất cao, thậm chí bằng với giá bán. Trung bình mỗi hộ chỉ có 0,2 ha đất nông nghiệp với từ 3-7 mảnh ruộng. Theo kết quả điều tra năm 2006 bình quân thu nhập của nông dân chỉ là 506 nghìn đồng/tháng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quy mô đất đai của các nông hộ hiện nay quá nhỏ và manh mún đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, không áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ, không áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí. Để khắc phục tình trạng này, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm cao hiệu quả sản xuất như dồn điều đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất. Mỗi giải pháp đều gặp nhiều khó khăn và mặt trái của nó như năng suất, điều kiện tự nhiên giữa các vị trí đất không đều, đầu ra sản phẩm không ổn định, hậu quả xã hội khi nông dân mất ruộng…(Phạm Văn Dự, 2009).

Nhìn chung nền nông nghiệp Việt Nam đang có hướng đi lên, phần nào đáp ứng được vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc nghiên cứu về đất và sử dụng đất mới được thực hiện trên phạm vi vùng không gian rộng, cho nên tính thực tiễn của nó chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có những nghiên cứu về đất và sử dụng đất mang tính cụ thể hơn, thực tiễn hơn cho từng địa phương (cấp xã, cụm xã, cấp huyện), có như vậy thì mới mang lại hiệu quả cao trong sử dụng đất .

Từ những nghiên cứu nói trên cho thấy tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp là chỉ tiêu rất quan trọng quyết định đến việc hoạch định kế hoạch phát triển nông nghiệp của các cấp lãnh thổ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện mỹ lộc tỉnh nam định (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)