6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
3.2.4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ
Hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, phương
pháp thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu và an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời cấp phát và hướng dẫn sổ ghi chép nhật ký nông hộ, giúp nông dân chủ động hơn trong các khâu kỹ thuật, biết hạch toán chi phí trong sản xuất. Nhờ vậy, từ chỗ sản xuất tiêu theo kinh nghiệm là chính, nông dân sẽ biết hạn chế
sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, tạo hệ thống thoát nước, trồng cây che bóng, chắn gió và sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục được khuyến cáo để phòng bệnh cho cây hồ tiêu định kỳ để vườn cây phát triển tốt, tăng năng suất.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tiếp cận thông tin, học tập kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu, dần xóa bỏ tập quán sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Đầu tư phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến hồ tiêu với các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu.
Chú trọng việc tạo giống vô tính để hạn chế thoái hóa giống. Hình thành những trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên nghiệp để cung cung cấp đầy đủ giống tốt và dịch vụ ký thuật đáp ứng yêu cầu cho người trồng hồ tiêu.
Nhân nhanh và đưa vào sản xuất các giống hồ tiêu thích nghi rộng, ít bị nhiễm bệnh như Vĩnh Linh, Ấn Độ, Lada Belangtoeng và tiêu Trung, từng bước trồng mới thay các vườn tiêu già cỗi cho năng suất thấp.
Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và đưa vào ứng dụng trong sản xuất các biện pháp phù hợp trong nhân giống, trồng và chăm sóc vườn tiêu, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Đặc biệt là kỹ thuật bón phân cho tiêu ở từng độ tuổi trên nhiều vùng đất khác nhau, quy trình phòng trừ dịch hại, tưới nước kết hợp với bón phân N và K bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới tán.
Sớm xây dựng qui chuẩn VietGAP cho cây tiêu, xây dựng chương trình nghiên cứu, trình diễn và tập huấn tập trung vào các công nghệ phù hợp với qui chuẩn IPC GAP, IPC CHP để có được sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA và JSA.
Áp dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp để tăng lợi thế cạnh tranh của cây tiêu, như quy hoạch vùng đất trồng tiêu thích hợp, tuyệt đối không trồng trên vùng đất không phù hợp, thay thế dần các vườn tiêu già cỗi và vườn tiêu bệnh.
Khuyến khích hệ thống đa canh, đa dạng hoá sản phẩm trong nông hộ nhằm giảm sự lệ thuộc vào một sản phẩm, giảm thiểu rủi ro do tác nhân sinh học và phi sinh học trong khi giá cả hồ tiêu còn bấp bênh. Thử nghiệm một vài công thức luân canh như trồng theo luống giúp phục hồi độ phì của đất, cắt chu kỳ sâu bệnh so với hệ thống độc canh.
Phố biến rộng rãi thông tin và tài liệu kỹ thuật, tổ chức tập huấn về thu hoạch và sau thu hoạch cho nông dân trồng tiêu, chẳng hạn cắt gié tiêu cho vào bao/giỏ thay vì thả xuống đệm/bạt trải trên mặt đất, rửa kỹ sân phơi và giặt đệm/bạt phơi trước mỗi đợt phơi tiêu, che chắn kỹ quanh khu vực phơi, không để súc vật vào khu vực phơi tiêu, vì phân súc vật là nguồn lây nhiễm Salmonella sp. và E. coli, phơi đến khi hạt tiêu đạt độ ẩm dưới 13%, sàng quạt loại tạp chất và hạt nhẹ còn dưới 2% trước khi đưa vào tồn trữ.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất thông qua khuyến nông. Chú ý khuyến khích việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của hồ tiêu. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà nông, doanh nghệp với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong và ngoài Tỉnh.
Có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
Tạo điều kiện và khuyến khích nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học áp dụng canh tác cây hồ tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản
xuất cho nông dân. Thay thế dần các biện pháp phòng trừ hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường.