6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
3.1.2. Tình hình thị trường và nhu cầu về sản phẩm hồ tiêu
Năm 2014 ngành Hồ tiêu Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đạt được kết quả lớn cả về sản xuất và thương mại. Sản lượng thu hoạch, khối lượng xuất khẩu, tổng kim ngạch và giá bán sản phẩm đều đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay: Sản lượng thu hoạch theo bộ NN & PTNT đạt 125.000 tấn. Khối lượng xuất khẩu đạt 156.396 tấn, tăng 16,38% so với 2013. Kim ngạch đạt 1,210 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013. Giá xuất khẩu bình quân: Tiêu đen đạt trên 7.399 USD/tấn, tiêu trắng trên 10.648 USD/tấn, tăng 17,56% với tiêu đen và 18,07% với tiêu trắng so với 2013.
Thành quả đạt được có ý nghĩa sâu sắc bởi trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, ngành hồ tiêu vẫn phát triển, đạt thành tích ngoạn mục: năm 2014, lần đầu tiên hồ tiêu Việt Nam tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay, đóng góp tích cực vào công cuộc nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông nghiệp nông thôn. Điều ấn tượng hơn nữa là trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại hồ tiêu, thu nhập và lợi nhuận phần lớn thuộc về người sản xuất, đây là điều mà nhiều ngành hàng nông sản khác đang mong muốn nhưng chưa có được.
Nối tiếp thành công của năm 2014, ngành hồ tiêu những tháng đầu năm 2015 tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm. Tại hội nghị thường niên VPA tổ chức ngày 8-5-2015 ở thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch VPA, cho biết năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD và trong 4 tháng đầu năm 2015, đã xuất khẩu được 57.000 tấn hạt tiêu, trị giá 521 triệu USD.
Về giá xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, quý I/2015, giá tiêu đen đạt bình quân 8.772 USD/tấn, giá tiêu trắng 12.500 USD/tấn, đều tăng gần 35% so với cùng kỳ. Như vậy, kể từ năm 2007 đến nay, giá tiêu năm sau cao hơn
năm trước, lợi nhuận từ trồng cây tiêu cao hơn nhiều so với các cây công nghiệp khác.
Chính người trồng tiêu Việt Nam làm được điều này khi chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ, nông dân thu lợi. Từ đó, ngành hồ tiêu sinh ra đặc thù là lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng còn doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…) chứ không đóng vai trò nhà buôn như các ngành hàng khác.
Ngoài ra, hồ tiêu xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ nên không bị phụ thuộc thị trường. Ngay với Trung Quốc (chiếm 20% thị phần) khi ngưng mua hàng, Việt Nam vẫn dễ dàng bán sang các nước khác buộc Trung Quốc phải quay lại mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, tiêu Việt Nam cũng đang gặp thách thức lớn khi Châu Âu và nhiều nước bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Quý I/2015, xuất khẩu sang Châu Âu đã giảm, riêng thị trường Đức giảm trên 50%, đó là trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam. Do đó, nếu không đồng lòng sản xuất hồ tiêu sạch, vệ sinh an toàn từ người sản xuất đến chế biến, xuất khẩu thì chắc chắn mặt hàng này sẽ gặp khó.
Năm 2015, hạt tiêu có giá cao nhờ mất mùa nhưng khoảng 4 năm nữa sản lượng có thể lên tới 200.000 tấn (năm 2014 khoảng 125.000 tấn) do diện tích trồng tăng quá nhanh thì chuyện bán không được, giá xuống là khó tránh khỏi.
Theo nhận định của VPA và IPC thì sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2015 ổn định dù thời tiết bất lợi và dịch bệnh khá nặng ở các vùng chuyên canh nhưng được bù lại từ nguồn hạt tiêu thu hoạch vụ đầu của diện tích trồng tự phát những năm 2010-2011.
Mỗi năm nhu cầu về tiêu tăng thêm 10.000-12.000 tấn và 10 năm tiếp theo, nhu cầu thế giới có thể hơn 450.000 tấn. Vì vậy, ngành hồ tiêu Việt Nam cần có nguồn cung ổn định. Trong đó, cách thức canh tác là quan trọng đảm bảo sự phát triển lâu dài và lợi ích của ngành.