2.4.3.1.Nội dung
Nick và Clive [50] cho rằng lý thuyết này gồm năm phần, định nghĩa dự án, xác định những tác động của dự án, những tác động nào mang lợi ích đáng kể, lượng hóa các tác động chính, đánh giá tài chính những hiệu quả có liên quan. Định nghĩa dự án nhằm xác định các nguồn lực có liên quan, xác định phạm vi của dự án, xác định mục tiêu và làm rõ hơn các yếu tố chưa biết. Xác định những tác động của dự án nhằm xác định những tác động tích cực mà dự án mang lại và những khả năng lựa chọn khác khi phân tích lợi ích và chi phí. Sau đó, xem xét đến tác động đáng kể để lựa chọn những
quyết định mang lại tổng giá trị lợi ích kinh tế tối đa. Bước tiếp theo là lượng hóa các lợi ích và chi phí gắn với trục thời gian phát sinh, tất cả các phương án được tính toán và sử dụng hiện giá dòng tiền để so sánh. Bước cuối cùng đánh giá hiệu quả tài chính được sử dụng khi dự án này có thể nằm ở các quốc gia khác nhau, khi đó có thể quy đổi thành một đơn vị tiền tệ để so sánh (chuyển các đơn vị tiền tệ đo lường về đô la Mỹ là tiền tệ chung nhất để so sánh) đồng thời có thể điều chỉnh mức lạm phát để là căn cứ so sánh hiệu quả của dự án. lý thuyết lợi ích và chi phí được ứng dụng rất rộng rãi [42]. Mục đích của lý thuyết này là cung cấp một quy trình phù hợp để đánh giá một quyết định và cho cách nhìn toàn diện hơn để đưa ra quyết định [3].
Lý thuyết này sau đó được nghiên cứu mở rộng cho kinh tế học và kế toán. Theo các nhà nghiên cứu, lợi ích có được từ các thông tin kế toán phải được xem xét trong mối quan hệ với chi phí tạo ra thông tin đó. Cụ thể, khi triển khai phương pháp ABC đòi hỏi các DN phải đầu tư về nhiều nguồn lực nên sẽ làm phát sinh nhiều chi phí và khá tốn kém. Do vậy, cần cân nhắc giữa chi phí bỏ ra với lợi ích mà phương pháp này đem lại cho DN trước khi triển khai [9], [13].
2.4.3.2.Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu
Dựa vào lý thuyết này nhóm tác giả dùng để thiết lập và giải thích sự ảnh hưởng của nhân tố Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao; Huấn luyện, đào tạo; Nguồn lực triển khai đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương này, nhóm tác giả đã trình bày lịch sử hình thành và phát triển của phương pháp ABC theo bốn giai đoạn cơ bản, đồng thời hệ thống hóa các vấn đề lý luận cơ bản về phương pháp ABC. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã so sánh giữa phương pháp ABC với phương pháp kế toán chi phí truyền thống trên một số tiêu thức và tìm ra điểm tương đồng cũng như làm rõ một số khác biệt giữa hai phương pháp này. Đồng thời, nhóm tác giả đã tập hợp các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp ABC trong doanh nghiệp và các lý thuyết nền có liên quan. Dựa trên các nhân tố và lý thuyết nền này, nhóm tác giả sẽ xác lập mô hình nghiên cứu, xây dựng các giả thuyết nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
CHƯƠNG 3:PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU