Kết quả nghiên cứu cho thấy có bốn nhân tố có ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định gồm: Cạnh tranh; Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao; Đặc điểm kỹ thuật; Nhận thức về phương pháp ABC. Hai nhân tố không có ảnh hưởng là Huấn luyện, đào tạo; Nguồn lực triển khai. Cả bốn nhân tố đều tác động tích cực đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định. Trong đó, Cạnh tranh là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định với hệ số hồi quy chuẩn hóa bằng 0,588 cho thấy khi mức độ cạnh tranh tăng thêm 1 điểm thì khả năng vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định tăng thêm 0,588 điểm. Điều này thể hiện khi mức độ cạnh tranh càng tăng thì càng thúc đẩy các DN tỉnh Bình Định xây dựng và
triển khai phương pháp ABC trong công tác kế toán chi phí nhằm xác định chính xác chi phí, giá thành sản phẩm và dịch vụ kinh doanh của đơn vị.
Tiếp đến là nhân tố Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao với hệ số hồi quy chuẩn
hóa bằng 0,159 cho thấy khi sự hỗ trợ và ủng hộ của nhà quản trị cấp cao tăng thêm 1 điểm thì khả năng vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định tăng
thêm 0,159 điểm. Điều này cho thấy khi có được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của nhà quản trị mà đặc biệt là nhà quản trị cấp cao sẽ thúc đẩy việc triển khai phương pháp ABC trong DN diễn ra nhanh chóng và sớm thành công. Sự hỗ trợ của nhà quản trị được thể hiện thông qua việc họ dành nhiều thời gian, bố trí kinh phí và nhân sự tham gia dự án triển khai phương pháp ABC trong DN. Mặt khác, một khi nhà quản trị quyết tâm và tích cực hỗ trợ cho quá trình triển khai thì khả năng thành công sẽ rất cao và khi đưa vào vận hành sẽ phát huy được hết hiệu quả của công cụ quản trị chi phí hữu ích này.
Nhân tố Đặc điểm kỹ thuật với hệ số hồi quy chuẩn hóa bằng 0,083 thể hiện khi các điều kiện kỹ thuật để vận dụng phương pháp ABC tăng 1 điểm thì khả năng vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định sẽ tăng thêm 0,083 điểm. Do vậy, để triển khai áp dụng phương pháp ABC trong công tác kế toán tại đơn vị đòi hỏi các DN tỉnh Bình Định phải quan tâm, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật thích hợp.
Nhân tố Nhận thức về phương pháp ABC có hệ số hồi quy chuẩn hóa bằng 0,046 là nhân tố tác động yếu nhất trong bốn nhân tố đã kiểm định. Kết quả này cho thấy khi nhận thức về phương pháp ABC của nhà quản trị cũng như nhân viên tăng 1 điểm thì khả năng vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định sẽ tăng thêm 0,046 điểm. Điều này thể hiện cần thiết nâng cao nhận thức của nhà quản trị, cán bộ công nhân viên DN nhằm thúc đẩy việc áp dụng phương pháp ABC trong công tác quản lý thực tế tại DN.
Các kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Swenson [64], Cotton và cộng sự [29], James [41], Maelah và Ibrahim [47], Trần Tú Uyên [12], Trần Văn Tùng [13]... Do vậy, một lần nữa khẳng định việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN nói chung và DN trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng thực sự chịu ảnh hưởng của các nhân tố này.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong chương này, nhóm tác giả đã trình bày các kết quả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQTCP trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Kết quả nghiên cứu định tính với việc phỏng vấn các chuyên gia giúp nhóm tác giả xác định 6 nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp ABC trong các DN tỉnh Bình Định gồm: Cạnh tranh; Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao; Nhận thức về phương pháp ABC; Huấn luyện, đào tạo; Điều kiện kỹ thuật; Nguồn lực triển khai. Sau đó, nhóm tác giả dựa trên các dữ liệu thu thập được từ khảo sát các cá nhân đại diện cho các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định và thực hiện phân tích, xử lý dữ liệu định lượng nhằm kiểm định các giả thuyết nghiên cứu cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy có bốn nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQTCP trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định gồm: Cạnh tranh; Sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao; Điều kiện kỹ thuật; Nhận thức về phương pháp ABC. Còn hai nhân tố: Huấn luyện, đào tạo; Nguồn lực triển khai không ảnh hưởng.
CHƯƠNG 5:HÀM Ý CHÍNH SÁCH