Điểm khác biệt

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ABC TRONG DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 40 - 42)

Bên cạnh những điểm tương đồng, phương pháp ABC và phương pháp kế toán chi phí truyền thống có một số điểm khác biệt được thể hiện trên các khía cạnh sau.

2.2.2.1.Hoàn cảnh ra đời

Phương pháp kế toán chi phí truyền thống ra đời vào những năm 1870 – 1920 khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, quy trình sản xuất còn đơn giản, chi phí NCTT chiếm tỷ trọng cao và chi phí gián tiếp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng chi phí. Phương pháp tính giá truyền thống lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí gián tiếp thường là số giờ lao động hay là số giờ máy hoạt động và việc phân bổ chi phí gián tiếp vào sản phẩm dịch vụ có sai lệch cũng không ảnh hưởng đáng kể đến giá thành sản phẩm dịch vụ. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình sản xuất. Nếu trước đây, nền sản xuất dựa vào lao động là chủ yếu thì ngày nay nền sản xuất chủ yếu dựa vào máy móc thiết bị và công nghệ. Vì vậy, chi phí NCTT sẽ giảm dần và chi phí gián tiếp chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Thêm vào đó, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, nguồn lực doanh nghiệp có hạn và sự cạnh tranh gay gắt ngày càng gia tăng ngay cả trong thị trường nội địa cũng như thị

trường thế giới. Trong bối cảnh này nhà quản trị cần có những thông tin chính xác, thích hợp, kịp thời và chi tiết cho quá trình ra quyết định. Phương pháp kế toán chi phí truyền thống không thể đáp ứng được nhu cầu này và phương pháp ABC đã ra đời nhằm khắc phục những nhược điểm của phương pháp kế toán chi phí truyền thống. Phương pháp ABC được hai tác giả Cooper và Kaplan giới thiệu vào năm 1980.

2.2.2.2.Đối tượng tập hợp chi phí

Theo phương pháp kế toán chi phí truyền thống, chi phí phát sinh thường được tập hợp theo nơi phát sinh chi phí, hoặc theo các giai đoạn của quy trình sản xuất kinh doanh; sau đó mới tiến hành phân bổ cho các sản phẩm, dịch vụ để tính giá thành phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính. Trong khi theo phương pháp ABC, các chi phí phát sinh được tập hợp theo các hoạt động làm phát sinh chi phí, từ đó hướng đến hai mục đích chính gồm tính toán chính xác giá thành sản phẩm, dịch vụ và cung cấp thông tin kịp thời, phù hợp để nhà quản trị ra quyết định.

2.2.2.3.Tiêu thức phân bổ

Sự khác biệt giữa hai phương pháp còn thể hiện trong việc lựa chọn tiêu thức phân bổ các nguồn lực. Phương pháp kế toán chi phí truyền thống phân bổ các nguồn lực cho các sản phẩm, dịch vụ một cách đơn giản dựa trên một tiêu thức phân bổ được lựa chọn như: số giờ lao động trực tiếp hoặc chi phí nhân công trực tiếp mà không quan tâm đến mối quan hệ giữa tiêu thức phân bổ với nguồn lực được phân bổ. Theo phương pháp ABC thì các chi phí hoạt động được tập hợp theo các nhóm hay trung tâm chi phí và sau đó được phân bổ cho từng hoạt động trên cơ sở sử dụng các tiêu thức phân bổ thích hợp thể hiện mối quan hệ nhân quả và cuối cùng sẽ phân bổ chi phí hoạt động cho từng sản phẩm, dịch vụ dựa trên mức độ sử dụng hoạt động của sản phẩm, dịch vụ đó.

Akyol và cộng sự [15] đã tiến hành so sánh sự khác biệt giữa giá thành sản phẩm được xác định theo phương pháp ABC và phương pháp kế toán chi phí truyền thống. Trước tiên, nhóm tác giả sẽ tiến hành xác định giá thành sản phẩm theo phương pháp kế toán chi phí truyền thống sau đó so sánh với kết quả tính toán giá thành sản phẩm theo phương pháp ABC. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể về giá thành sản phẩm giữa hai phương pháp khi chi phí gián tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng đáng kể đến tính chính xác của giá thành sản phẩm và trong trường hợp đó nếu nhà quản trị dựa vào thông tin giá thành xác định theo phương pháp kế toán chi phí truyền thống có thể sẽ nhận định sai về dòng sản phẩm thực sự đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu thì phương pháp ABC cung cấp thông tin chính xác hơn so với phương pháp kế toán chi phí truyền thống. Phương pháp kế toán chi phí truyền thống sử dụng một nhóm chi phí gián tiếp và được phân bổ một cách ngẫu nhiên cho các đối tượng chịu phí trên cơ sở số giờ lao động hoặc số giờ máy nên khó xác định chính xác chi phí cho từng đối tượng. Phương pháp ABC thì tất cả các chi phí gián tiếp đều được phân bổ cho các đối tượng chịu phí theo các tiêu thức thích hợp và dựa trên mức độ sử dụng hoạt động của từng đối tượng chịu phí nên thuận lợi và giúp cho nhà quản trị đánh giá hiệu suất, kiểm soát chi phí của các bộ phận trong doanh nghiệp.

2.2.2.4.Phạm vi áp dụng

Phương pháp kế toán chi phí truyền thống và phương pháp ABC có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, mọi quy trình sản xuất hay cung ứng dịch vụ từ đơn giản đến phức tạp đều áp dụng được. Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả thì phương pháp ABC áp dụng có hiệu quả hơn trong các doanh nghiệp có những đặc điểm sau: chi phí gián tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí; sản phẩm, dịch vụ kinh doanh đa dạng, nhiều chủng loại; các loại sản phẩm, dịch vụ yêu cầu kỹ thuật và mức độ phục vụ khác nhau; quy trình sản xuất kinh doanh phức tạp và có sự thay đổi thường xuyên giữa các loại sản phẩm, dịch vụ.

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ABC TRONG DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)