Đặc điểm và bản chất của BHXH tự nguyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 27 - 31)

1.2.1.1. Đặc điểm của Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một bộ phận của chính sách BHXH, do đó về cơ bản nó có những đặc điểm của BHXH nói chung. Ngoài ra, BHXH tự nguyện còn có những đặc điểm riêng:

- Việc tham gia hay không tham gia là hoàn toàn tự nguyện. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. So với BHXH bắt buộc, cơ chế hoạt động của BHXH tự nguyện linh hoạt và mềm dẻo hơn.

- Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thường không phải là người có quan hệ lao động (làm việc trong khu vực chính thức), mà là những người lao

động phi chính thức (PCT), nông dân…Những người này thường chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động (LLLĐ) xã hội, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển (như ở Việt Nam hiện nay). Họ thường có trình độ học vấn và năng lực chuyên môn thấp, việc làm bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp… Do vậy, để những đối tượng này tiếp cận được với chính sách BHXH tự nguyện, thì Nhà nước cần phải xây dựng chính sách phù hợp, đặc biệt cần có sự hỗ trợ một phần phí BHXH cho các đối tượng tham gia, nhất là trong những giai đoạn đầu triển khai.

- Nguồn tài chính để hình thành quỹ BHXH tự nguyện chủ yếu do người lao động đóng góp. Những người này thường có thu nhập thấp và số người ban đầu tham gia chưa nhiều, cho nên quỹ thường bị hạn hẹp. Để có nguồn quỹ đáp ứng được yêu cầu hoạt động, cần phải có nhiều biện pháp tích cực, như: Hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, giải thích cặn kẽ đầy đủ để vận động các tổ chức kinh tế, xã hội, cá nhân hảo tâm ủng hộ quỹ, các nguồn tài trợ khác và sự đóng góp và bảo trợ của Nhà nước cho quỹ khi cần thiết.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện thường chỉ được triển khai với một số chế độ nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của các đối tượng tham gia. Để lựa chọn những chế độ phù hợp khi triển khai, các nước đều tiến hành điều tra nhu cầu thực tế từ chính các đối tượng hướng tới và có tính đến khả năng hỗ trợ của Nhà nước. Đây là đặc điểm rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và ban hành chính sách BHXH tự nguyện.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện thường được triển khai sau BHXH bắt buộc. Vì người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thường là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước (những người làm công, hưởng lương). Những đối tượng này có trình độ học vấn và dân trí cao; công việc và thu nhập ổn định nên có điều kiện tham gia dễ dàng hơn. Do đó, trong thời kỳ đầu triển khai BHXH các nước thường áp dụng cho những đối tượng này

trước và dưới hình thức bắt buộc. Sau đó mới mở rộng đối tượng tham gia cho các nhóm lao động khác trong xã hội dưới hình thức BHXH tự nguyện.

1.2.1.2. Bản chất của Bảo hiểm xã hội tự nguyện * Bản chất kinh tế của BHXH tự nguyện

Bản chất kinh tế của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng thể hiện ở chỗ những người tham gia cũng đóng góp một khoản tiền trích trong thu nhập (khoản đóng góp này sau khi đó chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu và các nhu cầu cần thiết và không ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất - kinh doanh của cá nhân) để lập một quỹ dự trữ. Mục đích của việc hình thành quỹ này để trợ cấp cho những người tham gia BHXH tự nguyện khi gặp rủi ro dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Như vậy BHXH cũng là quá trình phân phối lại thu nhập. Xét trên phạm vi toàn xã hội, BHXH là một bộ phận của GDP được xã hội phân phối lại cho những thành viên khi phát sinh nhu cầu về BHXH như ốm đau, sinh đẻ, già yếu, chết... Xét trong nội tại BHXH, sự phân phối của BHXH được thực hiện theo cả chiều dọc và chiều ngang. Phân phối theo chiều ngang là sự phân phối giữa chính bản thân người lao động theo thời gian (giữa thời gian lao động và thời gian nghỉ hưu). Phân phối theo chiều dọc là sự phân phối giữa những người khỏe mạnh với người ốm đau; giữa người trẻ và người già; giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Nhờ sự phân phối lại thu nhập mà đời sống của người lao động và gia đình họ luôn được đảm bảo trước những bất trắc và rủi ro xã hội.

Tóm lại, BHXH tự nguyện được đặc trưng bằng sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ BHXH tự nguyện nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người tham gia và gia đình họ khi gặp rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng thu nhập từ lao động.

Bản chất xã hội của BHXH tự nguyện được thể hiện ngay trong mục tiêu của nó. BHXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của bất kỳ hệ thống BHXH nào cũng là mục tiêu xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc chi trả chế độ BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất khả lao động. Do có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHXH tự nguyện nên mặc dù chỉ đóng một phần nhỏ trong thu nhập của mình cho Quỹ BHXH tự nguyện, nhưng có thể được bồi hoàn một khoản thu nhập đủ lớn để giúp họ trang trải rủi ro. Ở đây, Quỹ BHXH tự nguyện đó thực hiện nguyên tắc "lấy của số đông, bù cho số ít" và BHXH tự nguyện được hiểu như một chính sách xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi thu nhập của họ bị giảm, bị mất. Trên góc độ vĩ mô, BHXH tự nguyện gúp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tóm lại, hoạt động BHXH tự nguyện không vì mục tiêu lợi nhuận, mà hoạt động vì mục đích bảo đảm sự phát triển lâu bền của nền kinh tế, góp phần ổn định và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Điều này giải thích tại sao BHXH được coi là một chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia.

Tuy nhiên bản chất kinh tế và bản chất xã hội của BHXH không tách rời mà đan xen với nhau. Khi nói đến sự đảm bảo kinh tế cho người lao động và gia đình họ là nói đến tính xã hội của BHXH. Ngược lại khi nói đến sự đóng góp ít, nhưng lại được bù đắp đủ trang trải mọi rủi ro, thì cũng đã đề cập đến tính kinh tế của BHXH.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)