Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách BHXH tự nguyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 95 - 98)

Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014 (Luật số: 58/2014/QH13), gồm 09 Chương, 125 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, hoàn thiện các chế độ chính sách BHXH, đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ BHXH, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống BHXH, tổ chức thực hiện minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn. Thực tế cho thấy, việc thay đổi một số điểm của Luật BHXH về BHXH tự nguyện như: Không khống chế tuổi “trần” khi tham gia BHXH tự nguyện; quy định về mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm

xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; có nhiều phương thức đóng hơn, linh hoạt và thuận tiện hơn cho các đối tượng; từ tháng 1/2018, Nhà nước hỗ trợ 1 phần mức đóng cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện… đã giúp mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 vẫn còn bộc lộ những bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Sau đây là một số giải pháp hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện:

Một là, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng về điều kiện hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất giữa 2 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện:

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 80 về hưởng trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH tự nguyện quy định: “Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng khi người lao động chết đã có ít nhất 60 tháng đóng BHXH”, nhưng tại Điểm a Khoản 1 Điều 66 về hưởng trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH bắt buộc quy định: “Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng khi người lao động chết đã có ít nhất 12 tháng đóng BHXH”. Như vậy, giữa 2 loại hình có sự phân biệt về điều kiện hưởng trợ cấp mai táng, không đảm bảo sự công bằng và bình đẳng. Vì vậy sẽ không khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, nên sửa đổi lại về điều kiện hưởng trợ cấp mai táng cho thân nhân người lao động của BHXH tự nguyện ở Điểm a Khoản 1 Điều 80 như Điểm a Khoản 1 Điều 66 của BHXH bắt buộc.

Tại Khoản 5 Điều 56 về mức hưởng lương hưu hằng tháng của BHXH bắt buộc quy định: “Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở”, nhưng trong BHXH tự nguyện lại không có quy định này. Mặc dù cả 2 loại hình đều có quy định tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương cơ sở hoặc bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông

thôn và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Điều này cũng chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng về mức hưởng lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động giữa 2 loại hình BHXH. Do đó, để tạo động lực cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện thì nên bổ sung quy định mức lương hưu tối thiểu hằng tháng của BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Để khi người lao động nhận được lương hưu phải đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ, khi đó chính sách BHXH tự nguyện thực sự mới có ý nghĩa.

Hai là,đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện:

Tại Điều 67, 68 quy định về các trường hợp được hưởng và mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với BHXH bắt buộc nhưng lại không có quy định trợ cấp tuất hằng tháng cho BHXH tự nguyện. Sự đảm bảo về quyền lợi trong chế độ tử tuất của 2 loại hình BHXH là không công bằng. Do vậy, cần bổ sung thêm trợ cấp tuất hằng tháng cho BHXH tự nguyện. Mặt khác, đối với BHXH bắt buộc, khi tham gia BHXH thì người lao động được hưởng 5 chế độ gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất nhưng khi tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, còn 3 chế độ lại không được hưởng, mặc dù 3 chế độ này cũng rất cần thiết đối với người tham gia BHXH tự nguyện và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người tham gia vì chế độ áp dụng còn quá đơn điệu. Tuy nhiên, vì đây là chính sách mới cho nên trong giai đoạn đầu áp dụng 2 chế độ là phù hợp, nhưng về lâu dài nên thiết kế chính sách theo hướng mở rộng dần các chế độ để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa 2 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện và đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, cần nghiên cứu, mở rộng thêm chế độ BHYT cho người tham gia BHXH tự nguyện, cho dù có thể phải tăng mức đóng. Vì theo điều

tra nghiên cứu và phân tích ở trên, nhu cầu được tham gia BHYT tự nguyện của người lao động là rất lớn. Nếu kết hợp giữa BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện thì sẽ khuyến khích người lao động tham gia nhiều hơn.

Cần có quy định giảm tuổi nghỉ hưu như BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở vùng có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi họ đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt:

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức. Nhằm khuyến khích, vận động đối tượng tích cực tham gia vào BHXH tự nguyện, hướng đến mục đích “tất cả mọi người dân đều có lương hưu”, đảm bảo ASXH và giảm gánh nặng cho Ngân sách trong tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 95 - 98)