Những mặt tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 85 - 86)

Một là, mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện còn rất thấp. Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã Quảng Trị mới chỉ đạt 199 người (chiếm tỷ lệ 1,63% trong số đối tượng thuộc diện tham gia). Trong khi đó, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 84,98% số lượng người trong độ tuổi lao động. Giai đoạn từ 2014 – 2017, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, phần lớn là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, họ đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu, số người tham gia mới, đặc biệt là nông dân và lao động trẻ chưa nhiều, chiếm khoảng 25% trong tổng số đối tượng tham gia.

Hai là, giữa nhu cầu và khả năng tham gia BHXH tự nguyện còn khoảng cách rất xa. Nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động để đảm bảo an sinh cho chính bản thân mình là rất lớn, nhưng khả năng đóng góp lại hạn chế. Trên thực tế người lao động muốn tham gia BHXH, muốn đóng cao để được hưởng mức cao nhưng khả năng tài chính lại hạn chế, hoặc nếu có tham gia thì cũng chỉ có khả năng đóng góp ở mức thấp, và như vậy, mức độ thỏa mãn cũng thấp.

Ba là, nhận thức của người lao động và xã hội về chính sách BHXH tự nguyện còn mờ nhạt. Trên thực tế, nhu cầu tham gia BHXH của người dân là rất lớn, song nhận thức của họ lại chưa đầy đủ và thiếu thông tin về chính sách này. Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và thụ hưởng để người dân hiểu được, từ đó họ sẽ chủ động tìm hiểu và nhiệt tình tham gia. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Bốn là, thực tế số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gồm nhiều thành phần, đa số là lao động trong khu vực phi chính thức như nông dân, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong, tài xế xe ôm công nghệ…, và có thu

nhập thấp, không thường xuyên. Việc lo cho cuộc sống hàng ngày còn khó khăn nên chưa suy tính được đến tương lai sau này.

Năm là, xét về mặt giá trị xã hội và lợi ích chưa có tác động lan tỏa, tạo sự hấp dẫn và có tính thuyết phục đối với đông đảo người lao động, làm thay đổi hành vi, thói quen có tính chất truyền thống Á Đông là người già sống dựa vào con cái. Điều này chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu hướng phát triển chung của xã hội hiện đại là mọi người được bảo hiểm và sống trong môi trường bảo hiểm để tạo độ an toàn xã hội cao, hướng đến mục tiêu ASXH là “Mọi người dân đều có lương hưu khi về già”.

Sáu là, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện còn ít, không thường xuyên; nội dung tuyên truyền còn mang tính chất đại trà, chưa hướng tới các nhóm đối tượng có đặc điểm giống nhau về thu nhập, công việc, trình độ…

Bảy là, hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại lý làm công tác BHXH tự nguyện chưa cao, chưa tạo sự đột phá về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tám là, các chế độ mà BHXH tự nguyện được hưởng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu mà người lao động mong muốn; thời gian để hưởng chế độ còn dài vì vậy chưa tạo được sự hấp dẫn để người lao động tích cực tham gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thị xã quảng trị, tỉnh quảng trị (Trang 85 - 86)