1.2.2.1. Góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình mọi người lao động trong xã hội
Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình trạng bao cấp của Nhà nước đối với người dân nói chung và người lao động nói riêng sẽ dần dần được loại bỏ. Mọi người phải tự mình xoay xở để đảm bảo ổn định cuộc sống. Đặc biệt là khi gặp phải rủi ro như ốm đau, tai nạn… thu nhập bị giảm sút, chi phí khám chữa bệnh và điều trị sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình. Bởi vậy, tham gia BHXH sẽ giúp người lao động tiết kiệm được những khoản tiền nhỏ bé, đều đặn từ khi còn trẻ, khỏe để có nguồn lực tài chính cần thiết, tối thiểu khi về già hoặc khi bị ốm đau, tai nạn do BHXH trợ cấp. Hơn nữa, việc tham gia BHXH còn được Nhà nước hỗ trợ và bảo trợ, cho nên họ hoàn toàn an tâm và tự tin trong cuộc sống. Đây chính là chỗ dựa tâm lý vững chắc để người lao động hăng hái tham gia lao động sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.
Từ thực tế cho thấy, dù người lao động làm việc ở những ngành nghề, những lĩnh vực rất khác nhau, dù họ có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động, nhưng khi hết tuổi lao động, thu nhập từ lao động chắc chắn sẽ bị giảm sút hoặc không còn nữa. Vì thế, tham gia BHXH sẽ trực tiếp giúp họ ổn định cuộc sống khi về già, giảm nhẹ gánh nặng phụ thuộc vào con cái hoặc phúc lợi xã hội. Điều này còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong điều kiện tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.
1.2.2.2. Đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa những người lao động
Mọi người lao động trong xã hội đều phải làm việc để có thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống, dù người đó có tham gia vào thị trường lao động hay lao động tự do, tự tạo việc làm. Tuy nhiên, do thực tế khách quan đòi hỏi, do nhu cầu bức thiết của cuộc sống và do khả năng tổ chức, quản lý của Chính
phủ, mà những người lao động có quan hệ lao động thường được tham gia BHXH trước dưới hình thức bắt buộc. Khi kinh tế - xã hội phát triển, khi sản xuất hàng hóa đã trở nên phổ biến, thì nhu cầu tham gia BHXH của những người nông dân, những lao động tự do, tự tạo việc làm cũng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi vậy, hình thức BHXH tự nguyện ra đời đã đáp ứng được nhu cầu thực sự của họ ở những mức độ và phạm vi khác nhau thể hiện ở số lượng các chế độ BHXH tự nguyện. Việc ban hành chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm này có ý nghĩa vô cùng to lớn và thực chất cũng là để đảm bảo tính công bằng và bình đẳng giữa những người lao động, đảm bảo quyền con người mà cả thế giới luôn hướng tới trong một xã hội văn minh và phát triển như hiện nay.
1.2.2.3. BHXH tự nguyện trực tiếp góp phần đảm bảo An sinh xã hội
Cũng với cơ chế đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro, nâng cao tính cộng đồng, BHXH tự nguyện cùng với BHXH bắt buộc đã bao phủ được mọi người lao động trong xã hội có bảo hiểm. Mảng chính sách này luôn được coi là lưới ASXH đầu tiên, là trụ cột chính trong hệ thống ASXH quốc gia. Khi diện bao phủ của BHXH được mở rộng nhờ chính sách BHXH tự nguyện, sẽ làm giảm đi đáng kể các đối tượng được bảo trợ xã hội, từ đó làm giảm chi tiêu cho ngân sách Nhà nước. Nhờ đó góp phần đảm bảo ASXH bền vững. Điều này còn có ý nghĩa và vai trò to lớn đối với những quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), vì ở đó LLLĐ tham gia BHXH bắt buộc chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn do sản xuất chưa thực sự phát triển. Số lao động là nông dân, lao động tự do chiếm tỷ lệ rất cao. Một khi LLLĐ này tích cực và có cơ chế thuận lợi để họ tham gia thì diện bao phủ của BHXH sẽ ngày càng được mở rộng. Nguồn quỹ BHXH được hình thành ngày càng lớn và hiệu quả chia sẻ rủi ro sẽ ngày càng cao, quy luật số đông trong bảo hiểm sẽ phát huy tối đa tác dụng. Nhờ đó hệ thống các chính sách đảm bảo ASXH sẽ ngày càng được hoàn thiện và ASXH sẽ bền vững hơn, ổn định hơn.