An sinh xã hội cho mọi người dân luôn được Đảng ta quan tâm sâu sắc và không ngừng hoàn thiện, đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ; điều này thể hiện rất rõ tại các văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng và với từng chủ trương, chính sách cụ thể của Nhà nước. Đặc biệt, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Trong đó, đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp”.
Nay với việc Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với chính sách BHXH. Trong đó nhấn mạnh: “mở rộng diện bao phủ BHXH, đẩy nhanh việc gia tăng người lao động tham gia BHXH, nhất là trong khu vực phi chính thức”. Đây là một nội dung cực kỳ quan trọng, bởi vì hiện nay, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn rất cao.
Với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân, có thể khẳng định đây vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho các Bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc tiếp tục hoàn thiện
chính sách pháp luật BHXH cũng như cơ chế tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức trong dịch chuyển lao động, thay đổi cơ cấu ngành - nghề, mối quan hệ lao động trong cuộc cách mạng 4.0…