Nhân tố về điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố đà nẵng (Trang 33 - 37)

6. Tổng quan tài liệu

1.3.1. Nhân tố về điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Vị trí địa lý bao gồm vị trí tự nhiên, vị trí kinh tế, giao thông, chính trị. Vị trí địa lý tác động rất lớn tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản . Có thể thấy rõ hầu hết các cơ sở chế biến công nghiệp nói chung và chế biến thủy sản nói riêng ở các quốc gia trên thế giới đều được bố trí ở những khu vực có vị trí thuận lợi như gần các trục đường giao thông huyết mạch, gần sân bay, bến cảng, gần nguồn nguyên liệu.

Vị trí địa lý thuận lợi hay không thuận lợi tác động mạnh tới việc tổ chức lãnh thổ công nghiệp, bố trí không gian các khu vực tập trung công nghiệp. Vị trí địa lý càng thuận lợi thì mức độ tập trung công nghiệp càng cao, các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp càng đa dạng và phức tạp. Ngược lại, những khu vực có vị trí địa lý kém thuận lợi sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư ở trong và ngoài nước.

b. Tài nguyên thiên nhiên

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên được coi là tiền đề vật chất không thể thiếu được để phát triển và phân bố công nghiệp chế biến thuỷ sản. Sự phong phú của nguồn thuỷ, hải sản với nhiều loại động, thực vật dưới nước có giá trị kinh tế là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến thuỷ

hải sản.Tuy nhiên nhân tố này là điều kiện cần nhưng không đủ vì tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực có hạn, nếu chỉ biết khai thác thì dần dần trở nên cạn kiệt một cách nhanh chóng. Do đó điều này đem lại sự gia tăng thu nhập ban đầu cho quốc gia, nhưng đây không phải là con đường để phát triển bền vững ngành công nghiêp chế biến thuỷ sản trong dài hạn.

c. Khí hậu

Đặc điểm của khí hậu và thời tiết tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. Khí hậu có thể chi phối cả việc lựa chọn kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Chẳng hạn, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho máy móc dễ bị hư hỏng. Điều đó đòi hỏi lại phải nhiệt đới hoá trang thiết bị sản xuất. Ngoài ra các cơ sở chế biến nằm trong vùng hay có thiên tai, bão lụt cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

1.3.2. Nhân tố về kinh tế

Sự phát triển của công nghiệp chế biến thuỷ sản không thể tách rời với sự phát triển của kinh tế khu vực và kinh tế cả nước. Các nhân tố kinh tế trong và ngoài nước ảnh hưởng trực tiếp tới sự biến động của thị trường thuỷ sản chế biến. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái của nền kinh tế Việt Nam và thế giới đều có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp chế biến thuỷ sản. Các chính sách kinh tế vĩ mô này tạo ra sự ưu tiên hay kìm hãm sự phát triển của từng ngành, từng vùng kinh tế cụ thể.

Việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, các cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt công tác dự báo để điều tiết đúng đắn các hoạt động đầu tư, không để ngành hay vùng kinh tế nào phát triển theo xu hướng cung vượt cầu; việc thực hiện tốt sự hạn chế phát triển độc quyền, kiểm soát độc quyền, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng; việc quản lý tốt các doanh nghiệp Nhà nước, không tạo ra sự khác biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và các

loại hình doanh nghiệp khác; việc xử lý tốt các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, quan hệ tỷ giá hối đoái; việc đưa ra các chính sách thuế phù hợp với trình độ kinh tế và đảm bảo tính công bằng;… đều là những vấn đề hết sức quan trọng, tác động rất mạnh mẽ đến kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

1.3.3. Nhân tố về xã hội

a. Dân cư

Dân cư và nguồn lao động là nhân tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển và phân bố công nghiệp, được xem xét dưới hai góc độ sản xuất và tiêu thụ.Nơi nào có nguồn lao động dồi dào thì ở đó có khả năng để phân bố và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như công nghiệp chế biến thuỷ sản. Nguồn lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật mới là cơ sở quan trọng để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất trong công nghiệp chế biến thuỷ sản.

b. Quá trình hội nhập quốc tế

Quá trình hội nhập quốc tế giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực sản xuất, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức về hoàn thiện chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong nước. Trong đó các rào cản kỹ thuật và thương mại quốc tế đối với sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam:

+Rào cản kỹ thuật: với việc tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế nhập khẩu. Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh…đang và sẽ được tăng cường áp dụng.

+ Sự bảo hộ thương mại: sự cạnh tranh về giá cũng chính là “mối nguy” đối với sản phẩm cá thịt trắng hay sản phẩm thủy sản tại một số nước, trong đó có Mỹ. Do đó, nước nhập khẩu sẽ sử dụng một số rào cản mang tính chất bảo hộ như quy định về yêu cầu dán nhãn sản phẩm “an toàn cá heo” của tổ chức Ell đối với sản phẩm cá ngừ tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ và thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm, cá tra Việt Nam.

c. Môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý bao gồm: luật, các văn bản dưới luật,… Mọi quy định pháp luật về kinh doanh đều tác động trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì môi trường pháp lý tạo ra “sân chơi” để các doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh, vừa cạnh tranh lại vừa hợp tác với nhau nên việc tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh là rất quan trọng. Một môi trường pháp lý lành mạnh vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành thuận lợi các hoạt động kinh doanh của mình, vừa điều chỉnh các hoạt động kinh tế vi mô theo hướng không chỉ chú ý đến kết quả và hiệu quả riêng mà còn phải chú ý đến lợi ích của các thành viên khác trong xã hội. Môi trường pháp lý đảm bảo tính bình đẳng của mọi loại hình doanh nghiệp sẽ điều chỉnh các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh nhau một cách lành mạnh; mỗi doanh nghiệp buộc phải chú ý phát triển các nhân tố nội lực, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và khoa học quản trị tiên tiến để tận dụng được các cơ hội bên ngoài nhằm phát triển kinh doanh của mình, tránh những đổ vỡ không cần thiết, có hại cho xã hội.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật; kinh doanh trên thị trường quốc tế doanh nghiệp phải nắm chắc luật pháp của nước sở tại và tiến hành các hoạt động của mình trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước đó.

d. Văn hóa và phong tục tập quán của từng địa phương

Văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử truyền thống cũng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến thuỷ sản nói riêng. Khi tập quán và nhu cầu tiêu dùng thay đổi sẽ làm biến đổi về quy mô và hướng chuyên môn hoá của ngành và cơ sở sản xuất chế biến thuỷ sản. Từ đó dẫn đến sự mở rộng hay thu hẹp của không gian công nghiệp cũng như cơ cấu ngành.

1.3.4. Nhân tố về năng lực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, cơ sở vật chất và dịch vụ hậu cần nghề cá:

a. Năng lực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Năng lực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trực tiếp ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản tại một địa phương. Nếu nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt sản lượng cao, chất lượng tốt thì các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại địa phương sẽ ít phải chịu chi phối từ việc nhập nguyên liệu từ các địa phương khác và nhập khẩu nguyên liệu quốc tế từ đó phần nào giảm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh.

b. Cơ sở vật chất và dịch vụ hậu cần nghề cá:

Cơ sở vật chất như cảng biển, cảng cá Thuận Phước, âu thuyền trú bão , khu công nghiệp và các dịch vụ hậu cần nghề cá như chợ cá, các ngành đóng sửa tàu thuyền, cung cấp nước đá có tác dụng bổ trợ cho phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại địa phương

1.4. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG NƯỚC

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố đà nẵng (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)