6. Tổng quan tài liệu
3.2.7. Giải pháp về chất lượng sản phẩm
- Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hệ thống quản lý chất lượng sản xuất và sản phẩm như ISO 22000, GMP, SSOP, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… theo đúng quy định quốc tế.
- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt theo công nghệ cao trên thế giới và đáp ứng yêu cầu về chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát.
- Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến tăng cường năng lực kiểm soát và phát hiện dư lượng kháng sinh, hoá chất trong nguyên liệu, áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Hướng tới phát triển các sản phẩm thủy sản “xanh”. Sản xuất các mặt hàng thủy sản theo công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển thủy sản một cách bền vững.
- Nâng cao năng lực nhận thức, đẩy mạnh các kênh thông tin và phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm tra, giám sát và xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn của thế giới.
3.2.8. Giải pháp về phát triển chuỗi liên kết trong chế biến thuỷ sản
Tăng cường năng lực của từng khâu mắt xích trong chuỗi liên kết. Theo đó, cần rà soát, hạn chế sự gia tăng công suất chế biến ồ ạt, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng giống, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển các phương thức sản xuất mới có tính hiệu quả và bền vững để tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong nước.
Cần có một khung pháp lý cụ thể, chi tiết và gắn với chế tài đủ mạnh đảm bảo tính hợp lý của các hợp đồng liên kết và lợi ích của các bên tham gia. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng môi trường chung hỗ trợ phát triển liên kết thông qua việc phát triển các cụm liên kết chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác trọng tài xử lý, cưỡng chế các vi phạm hợp đồng một cách triệt để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chính bản thân những đối tác trong liên kết và cho toàn xã hội.
Khuyến khích các ngân hàng tham gia vào mối liên kết chiến lược giữa ngân hàng - doanh nghiệp - ngư dân. Mặc dù, Chính phủ có chủ trương giãn nợ cho người nuôi thủy sản theo Công văn số 1149/TTg về chính sách hỗ trợ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hoặc Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng với người nuôi tôm và cá tra, nhưng thực tế các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản trong nước vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn, người nuôi trồng thủy sản vẫn khó tiếp cận với vốn vay của các ngân hàng vì áp lực thủ tục. Do đó, các ngân hàng cần linh hoạt hơn nữa trong việc xem xét giãn nợ và cho vay mới để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt, cần ưu tiên tăng hạn mức cho vay với các khách hàng là doanh nghiệp truyền thống như các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu có uy tín trong việc vay, trả nợ.
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người sản xuất nuôi trồng thủy sản để tổ chức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng
yêu cầu của thị trường và khách hàng, góp phần đảm bảo chuỗi liên kết thủy sản phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò hiệp hội ngành trong công tác hỗ trợ chế biến, cân đối nguồn nguyên liệu, bảo quản và điều tiết giá thị trường. Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại trên thị trường.
3.2.9. Giải pháp về môi trường
- Cần nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh hơn nước thải chế biến thủy sản phù hợp từng loại hình (nhất là nước thải cơ sở chế biến cá tra, surimi..) với giá thành hợp lý, thuận lợi trong sử dụng ; đây là một trong những cơ sở để rút ngắn thời gian xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải phù hợp hơn cho từng loại hình chế biến nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải; nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị lọc khí thải cho cơ sở chế biến bột cá, cơ sở hàng thủy sản khô (nguyên tắc tháo rời để thuận lợi trong việc bảo dưỡng thay thế). Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ KHKT cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường cơ sở.
- Cần tăng cường nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ tổ chức/cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở chế biến thuỷ sản để từng cơ sở tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế một cách bền vững
- Chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân địa phương theo dõi giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, nếu phát hiện cơ sở nào xả nước thải chưa xử lý ra môi trường kịp thời thông báo đến cơ quan quản lý môi trường. Các biện pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường (tờ rơi, báo chí, truyền thông...) cũng cần được đa dạng hóa cho phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ.
- Khuyến khích các cơ sở chế biến thuỷ sản tiến hành xây mới hoặc nâng cấp, sữa chữa, mở rộng trên nguyên tắc áp dụng công nghệ xử lý nước thải kết hợp (cơ học - hóa lý - vi sinh).