Về ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý cấp nước đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thành phố về cơ bản đã ban hành cơ sở pháp lý trong hoạt động cấp nước trên địa bàn, đã có quy hoạch riêng cho lĩnh vực cấp nước trên cơ sở đồng bộ với các quy hoạch chung của thủ đô và các quy hoạch có liên quan, kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Thực hiện cải cách, đổi mới hoạt động, xóa bỏ chế độ chủ quản đối với các doanh nghiệp cấp nước, phân cấp quản lý, đổi mới doanh nghiệp.Nghị định 135/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế mặt nước ; Nghị định 60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường ; Ủy ban nhân dân đã ban hành quyết định số
28/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội. Các chính sách về ưu đãi, khuyến khích đầu tư đã thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau, huy động các nguồn lực lớn trong xã hội, nhiều chương trình dự án cấp nước được triển khai thực hiện.
Về tổ chức bộ máy nhà nước cấp nước đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội: Bộ máy tổ chức cấp nước đã được kiện toàn từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, tạo tính thống nhất trong tổ chức triển khai và thực hiện các quy định. Việc chuyển đổi vai trò quản lý hoạt động cấp nước từ Sở Giao thông sang Sở Xây dựng cho thấy sự tập trung chuyên môn hướng vào một bộ phận chuyên trách.
Đội ngũ cán bộ quản lý cấp nước được tập huấn thường xuyên, cập nhật những quy định mới, trao đổi, học tập kinh nghiệm đang từng bước hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về cấp nước trên địa bàn Hà Nội.
Về lập quy hoạch, kế hoạch cấp nước: Nhìn chung công tác lập quy hoạch kế hoạch cấp nước đô thị của thành phố Hà Nội đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước về công tác lập quy hoạch. Quy hoạch cấp nước đô thị dự báo được nhu cầu sử dụng nước, đánh giá chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm qua đó đề xuất, lựa chọn phương án xử lý nước, phương án xây dựng hệ thống cấp nước đảm bảo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Đồng thời xác định vị trí cho việc xây dựng công trình thu nước, các trạm xử lý nước sạch, các trạm bơm tăng áp và các công trình trên hệ thống. Xác định nhu cầu sử dụng đất cho việc xây dựng các tuyến ống cấp nước, công trình thu nước, các trạm bơm tăng áp và trạm xử lý nước sạch. Đề xuất các biện pháp xây dựng, tài chính, kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, đảm bảo tính khả thi của kế hoạch đầu tư tổng thể.
Về đầu tư xây dựng: Hoạt động đầu tư cho lĩnh vực cấp nước trong thời gian qua đã thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau, cơ cấu tỉ lệ vốn xã hội hóa ngày càng tăng trong các dự án đầu tư xây dựng cấp nước. Thành phố đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa lớn vào các dự án có quy mô, có khả năng cấp nước cho các địa phương lân cận. Quy mô công suất tăng nhanh trong những năm gần đây, các dự án với công nghệ tiên tiến, góp phần cải thiện tình hình cấp nước sạch, chất lượng dịch vụ được nâng lên.
Công tác quản lý giá tiêu thụ, chống thất thoát, thất thu: Thành phố đã thực hiện xây dựng và áp dụng khung giá nước khác nhau cho các đối tượng sử dụng nước như: nước sinh hoạt cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước, dịch vụ nước sản xuất kinh doanh, nước phục vụ trường học, bệnh viện, nước cho xây dựng…đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước và khả năng thanh toán của các đối tượng dùng nước. Ban hành lộ trình điều chỉnh giá nước trong 3 năm liên tiếp được quy định tại quyết định số 38/2013/QĐ-UBND Quy định đơn giá bán nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giúp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng có sự chuẩn bị tâm lý khi giá nước thay đổi. Tỉ lệ thất thoát hiện nay của thành phố là 22% giảm nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước là 34% và nằm trong giới hạn mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát của thành phố đến năm 2020 là 25%.
Về công tác quản lý chất lượng nước: Chất lượng nước được cải thiện, cơ bản đảm bảo được các chỉ tiêu nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn nước sạch QCVN 02:2009/BYT, độ tin cậy của hệ thống cũng như uy tín doanh nghiệp được nâng cao, vùng bao phủ dịch vụ càng mở rộng, người dân được hưởng nhiều lợi ích. Chế độ nội kiểm và hậu kiểm được thực hiện thường xuyên.
Công tác thanh tra, kiểm tra nước sạch đô thị cho thấy cơ bản đảm bảo được mục tiêu, chất lượng nước sạch đô thị, nhiều sai phạm, bất cập đã nhanh chóng bị phát hiện và xử lý kịp thời góp phần để người dân tận hưởng cuộc sống trong lành.