7. Kết cấu của luận văn
1.2 Sử dụng công chức cấp xã
1.2.3. Nội dung sử dụng công chức cấp xã
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nội dung sử dụng công chức cấp xã bao gồm:
- Bố trí, phân công công tác đối với công chức cấp xã
Bố trí, sắp xếp công tác là công việc rất quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực trong tổ chức. Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức vào các vị trí công việc phải dựa trên các nguyên tắc sau:
+ Đúng người; + Đúng việc; + Đúng lúc; + Đúng nơi.
Bố trí, sắp xếp người lao động nói chung trong các tổ chức thường phân chia thành 2 nhóm:
+ Nhóm người mới được tuyển dụng;
+ Nhóm người đang làm việc trong tổ chức.
Bố trí, sắp xếp người lao động trong tổ chức là công việc đòi hỏi sự quan tâm chú ý thường xuyên của chủ thể sử dụng lao động. Bố trí, sắp xếp vào các vị trí trống trong giai đoạn tuyển dụng là bước đầu của quá trình sử dụng. Sau một thời gian làm việc trong cơ quan, đơn vị, người lao động có thể được bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí khác hoặc luân chuyển, thuyên chuyển.
Việc bố trí cán bộ, công chức phải dựa trên năng lực thực tế của từng cá nhân, phải theo một kế hoạch nhất định, bởi lẽ tiềm năng của mỗi cá nhân là hữu hạn, vì vậy nếu bố trí cán bộ, công chức không phù hợp với chuyên môn hay khả năng của họ có thể dẫn đến tình trạng không phát huy được năng lực; hiệu suất, hiệu quả làm việc thấp, thậm chí dẫn đến tình trạng chán nản, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của tổ chức.
Công chức cấp xã sau khi được tuyển dụng chính thức sẽ được bố trí giữ các chức danh chuyên môn theo vị trí đăng ký dự tuyển. Việc bốtrí có phù hợp hay không phải xét từ kết quả thực thi công vụ của công chức. Tuy nhiên, cần phải bố trí, phân công công tác phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Thực tế cho thấy nhiều năm qua, công tác phân công, bố trí công việc cho công chức cấp xã thường ít được quan tâm, dẫn đến công việc không rõ, kéo theo trách nhiệm cũng không rõ, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công việc.
Công chức cấp xã sau khi được tuyển dụng chính thức được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thi hành nhiệm vụ và được hưởng các chế độ, chính sách đối với công chức. Sau một thời gian làm việc, công chức cấp xã có thể được sắp xếp hoặc phân công, bố trí lại cho phù hợp nhằm điều chỉnh công việc một cách hợp lý để tránh sự nhàm chán, tăng sự hứng thú, phát huy hết khả năng, tạo động lực làm việc cao nhất cho từng công chức. Việc bố trí sử dụng công chức cấp xã phải phát huy được năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ, ngành nghề đào tạo của từng cá nhân, đem lại cảm giác hài lòng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kích thích sự hăng say, nỗ lực của mỗi người trong thực hiện công việc được giao.
- Điều động, tiếp nhận công chức cấp xã
Điều động cán bộ, công chức là việc làm thường xuyên, cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Cán bộ, công chức có thể được điều động từ vị trí việc làm này sang vị trí việc làm khác. Việc điều động cán bộ,
công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Điều động công chức cấp xã: Điều động (chuyển đổi vị trí) công chức cấp xã là nhằm từng bước nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của đội ngũ công chức cấp xã, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở thật sự gần dân, sát dân, chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân. Đồng thời cũng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã trong thời gian tới.
+ Tiếp nhận cán bộ cấp xã thành công chức cấp xã: Cán bộ cấp xã được tiếp nhận phải đảm bảo đủ quy định về thời gian làm công việc phù hợp với yêu cầu của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng.
+ Tiếp nhận công chức cấp xã từ nơi khác chuyển đến: Khi tiếp nhận phải chú ý đến các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, quản lý nhà nước.
- Đánh giá công chức cấp xã
Đánh giá công chức có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý, sử dụng và nâng cao chất lượng giải quyết công việc của công chức. Đánh giá đúng công chức là cơ sở cho việc bố trí sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật công chức. Đồng thời đây cũng là cơ sở để xác định được nhu cầu, nội dung, chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ phù hợp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ công chức cấp xã.
Đánh giá công chức cấp xã cần phải xem xét, cân nhắc trên nhiều mặt, cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, cả về mức độ hoàn thành nhiệm vụ
cũng như ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tuy vậy, trong quá trình đánh giá, cần xem xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, coi đây là căn cứ thực tiễn để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người công chức. Tiếp đó, xem xét đánh giá phẩm chất, đạo đức của người công chức. Việc đánh giá công chức nếu được thực hiện tốt, đảm bảo khách quan, công bằng sẽ động viên, khuyến khích được đội ngũ công chức hăng say, nỗ lực công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đánh giá trong các khâu của quá trình quản lý, phát triển đội ngũ công chức cấp xã bao gồm: Đánh giá trong tuyển dụng, đánh giá khi nâng lương, đánh giá khi quyết định đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đánh giá khi quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đánh giá đúng, ghi nhận những thành tích hoặc phát hiện những biểu hiện tiêu cực, khuyết điểm của cán bộ, công chức là điều kiện để thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức. Khen thưởng, kỷ luật thỏa đáng luôn là động lực lớn để cán bộ, công chức nghiên túc và tích cực làm việc. Trong trường hợp ngược lại, có thể dẫn đến mất đoàn kết, lười biếng, thiếu nghiêm túc trong công việc.
- Việc đánh giá công chức cấp xã được đánh giá hàng năm và quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức cấp xã thực hiện theo trình tự, thủ tục đánh giá hoặc theo trình tự thủ tục của công tác quy hoạch, điều động, tiếp nhận công chức cấp xã.
- Trình tự việc đánh giá như sau:
+ Công chức cấp xã tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác;
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá, quyết định xếp loại và thông báo đến công chức sau khi tham khảo biên bản góp ý của tập thể nơi công chức làm việc.
- Phân loại: Sau khi đánh giá, công chức, viên chức được phân thành 4 loại như sau: (1) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; (2) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; (3) Hoàn thành nhiệm vụ (nhưng còn hạn chế về năng lực); (4) Không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức cấp xã 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.
Công chức cấp xã 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.