Những hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng công chức cấp xã trên địa bàn huyện dương minh châu tỉnh tây ninh (Trang 68 - 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.3. Đánh giá về sử dụng công chức cấp xã huyện Dƣơng Minh Châu

2.3.2. Những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, sử dụng công chức cấp xã của huyện Dương Minh Châu vẫn còn tồn tại những hạn chế như sau:

- Về bố trí, phân công công tác đối với công chức cấp xã

Theo quy định, công chức cấp xã sau khi được tuyển dụng sẽ được bố trí vào chức danh chuyên môn theo đăng ký dự tuyển ban đầu. Hồ sơ thẩm định thí sinh dự tuyển ban đầu đã được xét duyệt phải đảm bảo có ngành nghề đào tạo phù hợp với chức danh dự tuyển. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bố trí công chức chưa đúng với chuyên môn đào tạo, 08 trường hợp (theo thực tế khảo sát), chiếm tỷ lệ 5,9%. Bên cạnh đó, ngoài các nhiệm vụ của từng chức danh đã được quy định trong Thông tư số 06/2012/TT-BNV các công chức còn được lãnh đạo cơ quan sử dụng phân công các nhiệm vụ khác, đôi khi những nhiệm vụ đó không phù hợp với chuyên môn của công chức. Đối với các nhiệm vụ phân công bằng văn bản, công chức được hưởng chế độ kiêm nhiệm, có những nhiệm vụ không chính thức, không phân công bằng văn bảng, phải "choàng" việc của người khác thì không được hưởng chế độ. Những công chức có năng lực thường được phân công nhiều nhiệm vụ không tên, điều này gây ra tình trạng quá tải công việc của một số công chức, làm cho công chức không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Về điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

Một bộ phận công chức nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Chính phủ; một số

trường hợp còn ngại khó, nên thích nghi chậm với sự thay đổi môi trường công tác mới làm ảnh hưởng đến quá trình, tiến độ thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với các chức danh công cấp xã còn hạn chế về số lượng do cần phải cân nhấc về điều kiện đi lại, cư trú, sinh hoạt của từng đối tượng công chức đảm bảo khả năng thích nghi môi trường công tác mới, tiếp cận công việc chuyên môn đạt hiệu quả. Kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác năm 2017, huyện chỉ thực hiện chuyển đổi được 06/22 công chức cấp xã, chiếm tỷ lệ 27%.

- Về đánh giá sử dụng công chức cấp xã

Cơ quan quản lý và cơ quan sử dụng công chức cấp xã chưa thật sự quan tâm đến đánh giá sử dụng công chức cấp xã. Các thông tin để kiểm chứng cho hiệu quả sử dụng công chức chưa phản ánh chính xác thực tế. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn 21/125 ý kiến, chiếm tỷ lệ 16,8% cho rằng đánh giá, phân loại công chức không phản ánh đúng năng lực, sở trường công tác và không đảm bảo khách quan. Bản thân công chức và lãnh đạo có những nhận xét chưa thống nhất với nhau giữa sự hài lòng về phương án bố trí công việc và sự hài lòng đối với công việc được giao. Theo đánh giá, phân loại công chức hàng năm, tỷ lệ công chức hoàn thành nhiệm vụ trở lên rất cao. Số liệu này không đồng nhất với số liệu khảo sát mức độ hài lòng của lãnh đạo, quản lý đối với việc thực thi từng nhiệm vụ cụ thể, mức độ không hài lòng rất cao.

Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu chỉ đạo thực hiện đánh giá, phân loại công chức cấp xã dựa trên sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức viên chức.

Qua kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn 21/125 ý kiến, chiếm tỷ lệ 16,8% cho rằng đánh giá, phân loại công chức không phản ánh đúng năng lực, sở trường công tác và không đảm bảo khách quan. Để kiểm tra tính xác thực của kết quả trên, có 05 số liệu thu thập được cần so sánh bao gồm:

* Bảng 2.6: So sánh các số liệu kiểm tra tính xác thực của kết quả đánh giá công chức

Nội dung

(%)

Không (%)

Lãnh đạo có hài lòng về năng lực làm việc của công chức cấp xã không?

85% 15%

Lãnh đạo nhận thấy công chức cấp xã có phát huy hết năng lực, sở trường không?

65% 35%

Việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của công chức cấp xã, lãnh đạo có hài lòng không?

61,7%- 91,7%

8,3%- 38,3%

Đánh giá, phân loại cuối năm 2017 có công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực không?

5,92% 94,8%

Đánh giá, phân loại cuối năm 2017 có công chức không hoàn thành nhiệm vụ không?

0% 100%

Nguồn: khảo sát của luận văn và Phòng Nội vụ

Phân tích thông tin trên cho thấy tỷ lệ công chức cấp xã hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực không đồng nhất với những nhận xét của lãnh

đạo về năng lực, sở trường và việc thực thi nhiệm vụ cụ thể của công chức. Theo báo cáo của Phòng Nội vụ gửi Ủy ban nhân dân huyện, năm 2017 có 01 trường hợp công chức bị kỷ luật buộc thôi việc (Trưởng Công an xã) nhưng kết quả đánh giá thì không có công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, có thể nói hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu là công tác đánh giá chưa phản ánh chính xác năng lực của công chức.

Quy trình đánh giá theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, mang tính dân chủ, khách quan cao nhưng khi thực hiện lại chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan. Do việc đánh giá công chức vẫn còn được tiến hành theo phương thức bỏ phiếu của tập thể cơ quan. Đối với những công chức làm việc bình thường, ít va chạm được lòng mọi người trong cơ quan là được nhiều phiếu đánh giá tốt. Những người làm việc tốt, trách nhiệm nhưng gai góc, có chính kiến hay va chạm, không "dĩ hòa vi quý" thì thường lại không được nhiều phiếu đánh giá tốt.

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đã quy định rất rõ cụ thể căn cứ, nội dung và trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức. Trong đó, người có thẩm quyền đánh giá và quyết định kết quả đánh giá công chức cấp xã là người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp người đứng đầu cơ quan vẫn còn e ngại, nể nang, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu khách quan, công tâm thì khi đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp dưới là không chính xác. Thậm chí, có người còn muốn chạy theo thành tích, muốn cơ quan mình không có người nào hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, kết quả đánh giá, phân loại cuối năm, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt, hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa phản ánh đúng với chất lượng công tác.

Công tác đánh giá còn chưa thật sự khoa học, sát thực. Các tiêu chí còn chung chung, mang tính chất định tính, khó lượng hóa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc đánh giá mang tính chất cảm tính, "dĩ hòa vi quý". Các tiêu chí đánh giá cho từng vị trí, chức danh công chức chưa có, các chức danh sử dụng cùng một tiêu chí đánh giá là không phù hợp. Đánh giá như vậy làm cho chủ nghĩa bình quân còn tồn tại phổ biến; kết quả đánh giá còn thiếu chính xác, khách quan, chưa tạo cơ sở tin cậy để lập kế hoạch sử dụng, phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, làm cho người công chức thiếu động lực phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cẩn trọng, tránh vi phạm kỷ luật chỉ để đủ được đánh giá tốt.

Điều quan trọng là việc đánh giá hiện nay nặng về cá nhân công chức, chưa chú trọng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của công chức để làm cơ sở cho việc tiến hành xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Đánh giá công chức gắn với việc sử dụng công chức chưa thật sự được quan tâm. Sử dụng công chức cấp xã không thể dựa vào kết quả đánh giá, phân loại cuối năm của công chức mà phải có nội dung riêng và có phương án xử lý kết quả đánh giá tương ứng để tạo điều kiện cho cơ quan sử dụng khai thác tốt nhất năng lực, sở trường của công chức.

- Về công tác lập quy hoạch, kế hoạch công chức cấp xã

Mặc dù công tác lập quy hoạch, kế hoạch công chức cấp xã được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo và ban hành thành văn bản pháp lý để thực hiện trên địa bàn huyện, tuy nhiên quy hoạch, kế hoạch công chức cấp xã thường được xây dựng lồng ghép chung với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên toàn huyện, chưa có quy hoạch, kế hoạch riêng cho công chức cấp xã. Công tác quy hoạch mới chỉ quan tâm các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt chưa chú ý đến các chức danh khác và đội ngũ công chức làm công tác chuyên môn.

Trình độ chuyên môn của công chức cấp xã huyện Dương Minh Châu cơ bản đảm bảo nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra, vẫn còn một bộ phận công chức chưa đạt chuẩn về chuyên môn, số người có trình độ đại học còn ít, một số lượng lớn công chức (102/135 người) chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, số lượng công chức được bồi dưỡng theo vị trí chức danh của Đề án 1956 hàng năm tuy có đạt kế hoạch đề ra, nhưng những thay đổi vị trí công tác và biến động công chức làm cho công tác bồi dưỡng không kịp thời. Đặc biệt, một số đơn vị xã cử một người bồi dưỡng theo vị trí chức danh nhiều lần do chức danh còn lại không sắp xếp công việc để đi được.

Bên cạnh đó, các chương trình tập huấn kỹ năng nghề nghiệp cho công chức cấp xã còn thiếu, một số chương trình tập huấn có nội dung không phù hợp với các vị trí chức danh cụ thể. Động cơ học tập của đội ngũ công chức cấp xã đa số là chưa cao, học đối phó, học trả nợ bằng, vừa học vừa làm nên không chú trọng đầu tư vào nội dung học. Việc bố trí học tập với các lớp dày khích, lịch làm việc không giảm làm cho công chức phải có thái độ đối phó với cả hai bên. Công tác đánh giá sau đào tạo chưa được huyện chú trọng, quan tâm.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng hầu hết là kế hoạch ngắn hạn mang tính tình thế, phụ thuộc vào năng lực của cơ sở đào tạo, chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn làm cơ sở cho việc sử dụng công chức. Còn phổ biến tình trạng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng không nhằm mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngành mà để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh công chức, tiêu chuẩn của quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã.

- Về chế độ chính sách đối với công chức cấp xã

Các chế độ tiền lương và phụ cấp của công chức cấp xã, cũng như những ưu đãi công chức được hưởng đã được Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện tốt nhưng nhìn chung thu nhập từ lương của công chức cấp xã còn thấp, chưa đáp ứng

được nhu cầu đời sống cho công chức. Trước đây công chức cấp xã thường là người sinh sống tại xã, nhưng hiện nay với chính sách tuyển dụng mở rộng, và chính sách chuyển đổi vị trí công tác thì công chức ngoài xã làm việc rất nhiều. Hiện có khoảng 57,6% công chức cấp xã trên địa bàn huyện Dương Minh Châu là người ngoài xã, điều kiện đi lại khó khăn, chi phí ăn ở, nghỉ ngơi, lưu trú..rất tốn kém, thu nhập từ lương không đủ trang trải. Các chế độ cho công chức đi kèm với việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chưa thỏa đáng.

Việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường hợp công chức cấp xã tự đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp vị trí việc làm quy định tại Quyết định số 55/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh theo tinh thần Công văn 67/SNV-ĐTBD ngày 12/4/2013 của Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền giải quyết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng công chức cấp xã trên địa bàn huyện dương minh châu tỉnh tây ninh (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)