Là nói đến việc sử dụng các biện pháp để thực hiện cai nghiện ma túy đối với người bị phát hiện nghiện ma túy. Đó là các cách thức bắt buộc thông qua các mệnh lệnh bắt buộc, cưỡng ép đối với người nghiện ma túy bằng các quyết định quản lý của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm:
Một là, biện pháp quản lý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc là một trong bốn biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Luật XLVPHC năm 2012. Đây là biện pháp do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định nhằm mục đích cách ly người nghiện ma túy khỏi cộng đồng, buộc họ chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng [25].
Trước khi Luật XLVPHC được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ 1/7/2013 thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc là do UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) thực hiện, bằng một quyết định hành chính. Kể từ khi Luật XLVPHC có hiệu lực thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định cho TAND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là TAND cấp huyện). Có thể nhận thấy rằng việc chuyển quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ UBND cấp huyện sang TAND cấp huyện là một bước chuyển cơ bản từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý xem xét và phán quyết của một cơ quan thực thi pháp luật.
Mặt khác, với sự quy định quyền đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp, luật pháp nước ta đã nâng cao hơn việc bảo đảm quyền con người trong quá trình xem xét quyết định đưa hay không đưa một người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tập trung thông qua các bước thụ lý hồ sơ và họp xét quyết định chính thức theo đề nghị của các cơ quan chức năng (ở đây là cơ quan Tư pháp, Công an và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện).
Hai là, biện pháp quản lý cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng
Đối với người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Trường hợp này trưởng công an xã hoặc tương đương chủ trì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng gửi tổ công tác (tổ công tác do UBND cấp xã thành lập). Tổ công tác có trách nhiệm thẩm tra, xét duyệt hồ sơ và làm văn bản đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng gửi chủ tịch UBND cấp xã. Trên cơ sở đề nghị này, chủ tịch UBND cấp xã quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng có hiệu lực kể từ ngày ký. Người phải chấp hành quyết định nếu không tự giác chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành.