Theo báo cáo tình hình ma tuý thế giới, từ năm 2010 đến nay, số lượng người sử dụng ma tuý trên thế giới trong độ tuổi từ 15-64 vẫn không ngừng tăng lên qua các năm và chưa có dấu hiệu giảm. Đáng chú ý, trong năm 2018, số lượng người sử dụng ma tuý hiện nay đã cao hơn 30% so với năm 2009. Trên thế giới hiện có 32,5 triệu người sử dụng các loại ma tuý gốc thuốc phiện đã qua điều chế, chiếm 0,7% trong dân số trưởng thành thế giới và 16,5 triệu người sử dụng thuốc phiện tự nhiên. Số người sử dụng ma tuý tổng hợp là 37 triệu; thuốc lắc là 22 triệu người. Bên cạnh đó, tội phạm ma tuý có xu hướng ngày càng gắn kết và có tổ chức cao, đã hình
thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên khu vực, liên lục địa và các đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa đối tượng bản địa và quốc tế để mua bán, vận chuyển ma tuý. Tính chất, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma tuý hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia tinh vi, xảo quyệt. Nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các hoạt động đầu tư, liên doanh liên kết, kinh doanh dịch vụ để che dấu hoạt động tội phạm. Đáng chú ý, trong thời gian qua, tại khu vực Đông Nam Á, sản lượng ma tuý đã tăng 30%, đặc biệt số lượng thu giữ heroin và morphine đã tăng 88% (từ 7,1 tấn lên 13,3 tấn), cho thấy sản lượng thuốc phiện trong khu vực tiểu vùng Mê Công, đặc biệt là Myanmar tăng mạnh. Theo số liệu thống kê, 57,8% tổng số ca cai nghiện là người sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine, hầu hết đều sử dụng ma tuý tổng hợp dạng viên nén. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2016, các nước trong khu vực đã báo cáo có sự xuất hiện của 168 chất hướng thần mới khác nhau, hầu hết là các chất có chứa cathinones tổng hợp và cần sa tổng hợp [1].
Việt Nam đang đối mặt với xu hướng người nghiện chuyển từ sử dụng các loại ma túy truyền thống dạng thuốc phiện sang các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới, phát hiện ngày càng nhiều người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy, gây khó khăn cho công tác chữa trị, cai nghiện và phục hồi sau cai. Đáng báo động là sự bùng phát của việc gia tăng sản xuất ma túy tổng hợp tại Tam giác vàng khiến cho lượng ma túy tổng hợp từ khu vực này thẩm lậu vào Việt Nam gia tăng đột biến… Ngoài tác động của tình hình ma túy tại Tam giác vàng, Việt Nam cũng đang gặp phải tình trạng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh, gửi hàng qua bưu điện, qua đường hàng không, đường biển để vận chuyển ma túy trái phép từ bên ngoài khu vực vào Việt Nam và đi nước thứ 3, trong đó có các nước trong ASEAN. Những vấn đề này đặt ra thách thức lớn cho không chỉ Việt Nam mà còn là thách thức chung cho tất cả các nước trong ASEAN.