chức và quản lý việc cai nghiện ma túy
Từ khi kết thúc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội “về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương”; theo đó UBND Thành phố đã từng bước kiện toàn, sắp xếp và thường xuyên quan tâm đến công tác sửa chữa, nâng cấp các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Đầu năm 2014, Thành phố có 13 trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc (trong đó có 04 trung tâm thuộc Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, và 09 trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý). Các đơn vị có địa điểm trú đóng tại địa bàn Thành phố và ở các tỉnh lân cận, cụ thể: có 04 Cơ sở trú đóng tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; 02 Cơ sở trú đóng tại tỉnh Bình Dương; có 04 Cơ sở trú đóng tại tỉnh Bình Phước; 01 Cơ sở trú đóng tại tỉnh Đồng Nai; 01 Cơ sở trú đóng tại tỉnh Đắk Nông và 01 Cơ sở trú đóng tại tỉnh Lâm Đồng; tổng diện tích các Cơ sở là: 22.708.911 m2, diện tích sàn xây dựng là 1.098.481m2, quy mô thiết kế tiếp nhận 22.560 người [38, tr.2].
Thực hiện Luật XLVPHC năm 2012; Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tể xã hội năm 2015 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường
chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiện toàn và chuyển đổi toàn bộ 04 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trú đóng trên địa bàn Thành phố thành 03 cơ sở xã hội (Cơ sở xã hội Bình Triệu, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 và Cơ sở xã hội Nhị Xuân) và 01 trung tâm hỗ trợ cộng đồng về cai nghiện ma túy (Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy). Các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Cơ sở xã hội có nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện tiếp nhận, cai nghiện, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, kết hợp với giáo dục hành vi nhân cách, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp người nghiện ma túy cách ly khỏi môi trường có ma túy, cách xa bạn nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện ma túy phạm tội ngoài xã hội.
Thực hiện chủ trương đổi mới công tác cai nghiện tại Quyết định số 2596/QĐ- TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…, theo đó một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy là chuyển đổi, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ sở điều trị nghiện ma túy, tăng số lượng các cơ sở cai nghiện tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cai nghiện và đảm bảo 100% người nghiện ma túy khi có Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời, thuận tiện và hiệu quả. Trên cơ sở đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, với một thành phố có 10 (mười) triệu dân, tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chiếm tới 10% so với cả nước…Vì vậy, việc tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Cơ sở xã hội nhằm đa dạng hóa
các mô hình điều trị nghiện, tăng số lượng người tham gia điều trị nghiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị nghiện là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của công tác điều trị nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố và phù hợp với chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Nhà nước, Chính phủ. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6582⁄QĐ- UBND ngày 16 tháng 12 năm 2016 về Phê duyệt Đề án “Tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – Lao động xã hội, Cơ sở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”, việc tổ chức lại các đơn vị được thực hiện theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Cơ sở xã hội trên đia bàn Thành phố Hồ Chí Minh thành các cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở xã hội, theo đó UBND Thành phố giữ lại 03 Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, tổ chức lại 07 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng, 02 cơ sở xã hội và 01 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện hoàn toàn, đạt tỷ lệ 100% theo mục tiêu Đề án đề ra. Sau khi chuyển đổi, tổ chức lại số lượng các cơ sở cai nghiện, cơ sở xã hội của Thành phố so với cả nước chiếm tỷ lệ 12%, trong đó: cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng chiếm tỷ lệ 9% so với cả nước, cơ sở cai nghiện bắt buộc chiếm tỷ lệ 50% so với cả nước, cơ sở cai nghiện tự nguyện hoàn toàn chỉ chiếm tỷ lệ 6% so với cả nước và riêng cơ sở xã hội cả nước chỉ có 02 (hai) cơ sở đều thuộc của Thành phố Hồ Chí Minh [6].
Qua 09 năm (từ 2009 đến 2017) thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), các cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận, điều trị cho 64.014 lượt người, trong đó cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện là 35.923 lượt người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện là 28.091 lượt người. Đã tổ chức dạy văn hóa cho 47.208 người có nhu cầu, tỷ lệ 74% và số được dạy nghề là 49.339 lượt người, chiếm tỷ lệ 77% người nghiện được cai nghiện tại các cơ sở. Trong công tác cai nghiện phục hồi, Thành phố đã thực hiện theo quy định pháp luật, những đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, những đối tượng đã cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và đã được giáo dục tại phường, xã, thị trấn
nhưng tái sử dụng ma túy thì các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quy trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện [41].
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy từ quy trình cắt cơn, phục hồi sức khỏe, tư vấn trị liệu tâm lý đến giáo dục, tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa, hướng nghiệp tập huấn kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, luôn xây dựng môi trường văn hóa, đoàn kết, thân thiện; đồng thời lãnh đạo Thành phố thường xuyên đến các cơ sở cai nghiện thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần và giải quyết những khó khăn, vướng mắc để học viên, cán bộ, viên chức tại các cơ sở cai nghiện an tâm điều trị và công tác. Ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cai nghiện tổ chức các hoạt động chăn nuôi, trồng rau, lao động trị liệu để góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện bữa ăn và sinh hoạt phí cho học viên. Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa học viên các cơ sở cai nghiện được tổ chức định kỳ hàng năm, cùng với việc tổ chức các đoàn nghệ sĩ đến biểu diễn phục vụ tại các cơ sở định kỳ từ 2-3 lần/năm/đơn vị đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các học viên. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho học viên (khen thưởng, xét miễn giảm thời gian cai nghiện, các chế độ ăn uống, sinh hoạt…); thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch, kịp thời giải quyết những kiến nghị của học viên, nắm chắc diễn biến tư tưởng của các học viên, đặc biệt là những học viên cộm cán, cá biệt, có nhiều tiền án, tiền sự nên không để xảy ra tình trạng bạo động, trốn trường tập thể hoặc những hành vi manh động, gây rối khác tại đơn vị; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi quá khích, lôi kéo, kích động, gây rối, phá hoại tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật. Do đó, trong thời gian cai nghiện, người nghiện đã tuân thủ nội quy và chấp hành tốt sự quản lý, giáo dục, lao động, học tập và chữa bệnh tại cơ
sở cai nghiện, tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện của Thành phố luôn được giữ vững.
2.2.5. Quản lý, hỗ trợ người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng
Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định về quản lý sau cai nghiện, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3571/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 về phê duyệt “Đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”; Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2013 ban hành quy định về quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2016 triển khai thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được thực hiện theo đúng quy định, người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đã ổn định tâm lý, sức khỏe, được bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giúp đỡ. Trên cơ sở đó, UBND xã, phường, thị trấn giao cho các ban, ngành, đoàn thể, Đội Công tác xã hội tình nguyện phối hợp với tổ dân phố, gia đình quản lý, chăm sóc, động viên, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề tại các cơ sở dạy nghề để từng bước ổn định cuộc sống, tạo cơ hội để giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Các địa phương đã tiếp nhận và quản lý 10.983 lượt người sau cai nghiện. Số biến động giảm là 10.675 người (do các nguyên nhân: chết, di chuyển nơi cư trú, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự và hoàn thành thời gian quản lý sau cai nghiện đã được cấp giấy chứng nhận). Số người đang quản lý thực tế tại địa phương là 308 người, trong đó có 234 người có việc làm chiếm tỷ lệ 75,97%, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ vốn tạo việc làm cho 7.522 trường hợp với số tiền hơn 23,5 tỷ đồng, thành lập 195 câu lạc bộ thu hút 1.232 người sau cai nghiện tham gia tạo sân chơi lành mạnh, giúp người sau cai nghiện có nơi sinh hoạt
tốt, trao đổi kinh nghiệm phòng chống tái nghiện, hoạt động thể dục thể thao, giao lưu giải trí [41].
Tuy đã đạt được kết quả ban đầu, nhưng vẫn tồn tại một số mặt hạn chế, do chính sách pháp luật chồng chéo nên việc hỗ trợ của các cán bộ phụ trách cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay Nhà nước ra sức thay đổi nhận thức của người dân về nghiện ma túy, như Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 có quan điểm “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép”; Quyết định số 2187/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 được ban hành căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản phối hợp liên ngành khác nhưng công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai ở địa bàn Thành phố vẫn chưa chặt chẽ, việc cập nhật bổ sung danh sách chưa kịp thời, số người nghiện, số người sau cai nghiện ma túy chưa có hồ sơ quản lý còn khá nhiều ở ngoài cộng đồng, nhất là số người sau thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trở về địa phương chưa được quan tâm, chính quyền địa phương còn lúng túng trong hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Chủ yếu các cơ sở cai nghiện ma túy tăng cường công tác dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho học viên theo các quy định của pháp luật, còn việc hỗ trợ việc làm sau khi học viên hoàn thành xong chương trình cai nghiện vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, kịp thời. Một số nơi, chính quyền địa phương và gia đình người nghiện thiếu quan tâm nên chưa kịp phát hiện đối tượng tái nghiện hoặc khi đối tượng tái nghiện nặng thì mới phát hiện đưa đi cai, dẫn đến hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi thấp và tỷ lệ tái nghiện cao.