Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng QLNN trong lĩnh vực tổ cai nghiện ma túy nói chung và cai nghiện ma túy bắt buộc nói riêng; trực tiếp chỉ đạo, quản lý một số cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội của Thành phố. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Thành phố là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố về các vấn đề liên quan đến hoạt động cai nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Công an Thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, Công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn phối hợp với cán bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giúp UBND phường, xã, thị trấn trong việc thu thập tài liệu, thẩm tra, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy; tổ chức đưa người đã có quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; truy tìm đối tượng bỏ trốn; đảm bảo an
ninh trật tự của các cơ sở cai nghiện ma túy; đào tạo, hướng dẫn việc sử dụng công cụ hỗ trợ và nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của các cơ sở cai nghiện ma túy [40].
Tòa án nhân dân quận, huyện thực hiện việc ra Quyết định về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc ra Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định gửi Công an quận, huyện, thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn nơi đối tượng cư trú để thi hành theo quy định của pháp luật.
UBND quận, huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an quận, huyện, UBND phường, xã, thị trấn trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tạo điều kiện cho những người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội tại địa phương như: dạy nghề, tạo việc làm, giải quyết việc làm, vay vốn làm ăn, … để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững và dự phòng tái nghiện.
Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Lực lượng TNXP Thành phố quản lý thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cắt cơn, giải độc và tổ chức điều trị nghiện ma túy cho người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
UBND phường, xã, thị trấn thực hiện việc ban hành Quyết định giáo dục tại phường, xã, thị trấn đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong Quyết định giáo dục tại phường, xã, thị trấn; ra Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn đối với trường hợp người nghiện ma túy đã chấp hành xong ½ thời gian nhưng không tiến bộ tái sử dụng trái phép chất ma túy; ban hành Quyết định về việc đưa người vào cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý trong thời gian hoàn thành thủ tục áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc; ra thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng đối với đối tượng nghiện ma túy theo quy định; tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, phòng, chống tái nghiện ma tuý, huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng.
Như vậy, đối với công tác tổ chức quản lý người cai nghiện ma túy bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Lực lượng TNXP Thành phố chia nhau quản lý đối với số lượng người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Thành phố Hồ Chí Minh, đây là điểm đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh trong tổ chức bộ máy thực hiện công tác cai nghiện ma túy bắt buộc so với cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh có 12 cơ sở cai nghiện ma túy có chức năng cai nghiện bắt buộc, có địa điểm trú đóng tại địa bàn Thành phố và ở các tỉnh, thành khác với tổng diện tích các cơ sở là 22.708.911 m2, diện tích sàn xây dựng là 1.098.481 m2, quy mô thiết kế tiếp nhận 23.900 người [38]. Theo đó:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố quản lý 8 cơ sở cai nghiện ma túy có chức năng tổ chức cai nghiện bắt buộc gồm 02 cơ sở trú đóng trên địa bàn Thành phố (Cơ sở xã hội Thanh Thiếu Niên 2, Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu), 04 cơ sở trú đóng tại tỉnh Bình Phước (Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Văn, Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Đức, Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa, Cơ sở cai nghiện ma túy Đức Hạnh), 01 cơ sở trú đóng tại tỉnh Bình Dương (Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá) và 01 cơ sở trú đóng tại tỉnh Đồng Nai (Cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình);
Lực lượng TNXP Thành phố quản lý 04 cơ sở cai nghiện ma túy có chức năng tổ chức cai nghiện bắt buộc gồm 01 cơ sở trú đóng trên địa bàn Thành phố (Cơ sở xã hội Nhị Xuân), 01 cơ sở trú đóng tại tỉnh Đắk Nông (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1), 01 cơ sở trú đóng tại tỉnh Lâm Đồng (Cơ sở cai nghiện ma túy số 2) và 01 cơ sở trú đóng tại tỉnh Bình Dương (Cơ sở cai nghiện ma túy số 3), (xem Phụ lục 06).
Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị xung kích của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, rèn luyện và đào tạo thanh niên thực hiện theo Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong. Theo Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2012 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quy chế tổ chức và hoạt động của Lực lượng TNXP đã xác định Lực lượng TNXP là một tổ chức kinh tế - xã hội mang tính đặc thù của Thành phố; có chức năng tổ chức, quản lý các lực lượng thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, dự án kinh tế - xã hội và những nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của Thành phố, Lực lượng TNXP chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của các Sở ngành Thành phố có liên quan. Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố được UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập vào ngày 28 tháng 3 năm 1976 và chính thức được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục, rèn luyện đối tượng nghiện ma túy của Thành phố từ tháng 6 năm 1980. Trãi qua gần 40 năm thực hiện công tác cai nghiện ma túy của Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố đã tiếp nhận, giáo dục, rèn luyện được hàng trăm ngàn lượt người nghiện ma túy, học viên và người sau cai nghiện trong thời gian học tập, rèn luyện tại các đơn vị của Lực lượng TNXP đều được giáo dục về chính trị, đạo đức, pháp luật, hầu hết được xóa mù chữ, tham gia học bổ túc văn hóa từ cấp I đến cấp III và được học nhiều nghề. Từ không quen lao động, đa số học viên đều tham gia lao động với nhiều loại hình sản xuất phù hợp với khả năng, sức khỏe; từ lao động với mục đích trị liệu, phục hồi sức khỏe tiến đến lao động có thu nhập. Từ sống buông thả, khiếm khuyết về nhân cách nhưng qua cuộc sống tập thể, thông qua lao động, học tập, rèn luyện, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao,… qua các trường, trung tâm cai nghiện, đa số học viên đều làm việc và sinh hoạt có kỷ luật, có lối sống lành mạnh, biết tôn trọng tổ chức kỷ luật đơn vị, cán bộ quản lý, thương yêu bạn bè, cha mẹ, người thân, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Ở các đơn vị của Thanh niên xung phong, hình tượng người Thanh niên xung phong trong bộ đồng phục màu xanh, mũ tai bèo là tấm gương sáng trong đời thường để các học viên noi theo; và ở đó, cán bộ quản lý của Thanh niên xung
phong và học viên xưng gọi nhau là “gia đình”. Thanh niên xung phong còn là người lao động nghiêm túc và có kỷ luật, người thầy dạy học văn hóa, người chuyên viên hướng dẫn nghề, người chủ trì các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao và giải quyết những va chạm giữa các học viên. Cán bộ Thanh niên xung phong công tác ở các đơn vị của Lực lượng TNXP phong đều được rèn luyện ý thức tôn trọng con người, không khinh miệt, kỳ thị thanh niên lỗi lầm mà sống và cùng lao động với họ với một “trách nhiệm và tình thương” thật sự. Việc hoàn thiện các giáo trình, các phương pháp giảng dạy, dạy nghề, lao động công ích, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, những chương trình sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng nghiêm túc. Cơ sở vật chất như nơi ở, nơi ăn, sân tập, vườn hoa, nước máy, điện dân dụng, ti vi, báo chí, căn tin, câu lạc bộ văn nghệ, phòng karaoke, bàn bi-da, bóng bàn, … đều được trang bị để cho học viên có thể an tâm sống tốt [22, tr.93, 167-176].
Những thành quả, nét ưu việt trong mô hình mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Lực lượng TNXP Thành phố thực hiện quản lý hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố trong gần 40 năm qua đã được lãnh đạo Trung ương, Thành phố đánh giá cao và được nhân dân Thành phố tin tưởng, ủng hộ. Tuy nhiên với những quy định hiện hành về tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy, thì mô hình này hiện chưa có được các cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong, quy định: “Thanh niên xung phong ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung thanh niên xung phong cấp tỉnh) do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành quyết định thành lập, giải thể và quản lý”. Tuy nhiên, Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quy chế tổ chức và hoạt động của Lực lượng TNXP: “Lực lượng TNXP Thành phố chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của các Sở - ngành Thành phố có liên quan”.
Thứ hai, theo Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập quy định: “Cơ sở cai nghiện ma túy công lập là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức, nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”. Tuy nhiên, Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang trực tiếp tổ chức, quản lý đối với 04 cơ cở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội của Thành phố trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ của thanh niên xung phong được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ: “Tham gia thực hiện cai nghiện ma túy, giáo dục lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện ma túy và các đối tượng thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội khác”.
Bên cạnh đó, thực trạng cơ cấu bộ máy của các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội trực thuộc Lực lượng TNXP Thành phố có sự khác biệt so với quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ở một số điểm:
Về cơ cấu tổ chức bộ máy: Số lượng các phòng nghiệp vụ hiện tại là 04 phòng, ít hơn 01 phòng so với quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH (05 phòng); tên gọi của các phòng nghiệp vụ hiện tại khác với quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH, từ đó dẫn đến sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ;
Số lượng viên chức giữ chức vụ quản lý hiện tại nhiều hơn so với quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH như chức danh Phó Giám đốc; Phó Trưởng phòng, Phó Trưởng khu, Phó Đội trưởng;
Định mức số lượng người làm việc hiện tại cao hơn định mức được giao theo Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH (xem Phụ lục 07).