Yếu tố ảnh hưởng từ trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc tại thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 49)

Một là, yếu tố ảnh hưởng từ việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, trong đó đặc biệt là Luật XLVPHC năm 2012,

Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Việc triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc bước đầu có kết quả từ khi Luật XLVPHC ngày 20 tháng 6 năm 2012 và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 có hiệu lực. Việc xử lý hành chính người nghiện ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc bằng một quyết định của Tòa án, có thể nói đây là một việc làm hoàn toàn mới mà trước đây pháp luật ở Việt Nam chưa quy định. Việc chuyển quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ UBND cấp huyện sang TAND cấp huyện là một bước chuyển cơ bản từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý xem xét và phán quyết của một cơ quan thực thi pháp luật. So với các nghị định quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh trước đây như: Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004; Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 05/4/2005 và Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2011 thì nội dung quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP đã có những thay đổi nhất định về đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị, thời hiệu và thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… Những thay đổi sẽ gây ra không ít những khó khăn, lúng túng cho các đơn vị, địa phương trong việc lập hồ sơ người nghiện để đề nghị đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc; thay đổi hệ thống biểu mẫu hồ sơ; mở phiên tòa họp xét đối tượng;... [6].

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai

nghiện ma túy công lập. Với chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đòi hỏi các cơ sở cai nghiện ma túy phải thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, đảm bảo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hai là, yếu tố ảnh hưởng từ việc thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, các quan điểm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương về công tác cai nghiện ma túy đã có tác động trực tiếp đến công tác QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc, đó là: Công tác triển khai điều trị nghiện tự nguyện sẽ được chú trọng phát triển hơn, đồng thời chú trọng công tác tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng tại các tỉnh, thành phố; theo đó số cơ sở điều trị nghiện bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần, hạn chế việc xây dựng mới hoặc mở rộng các cơ sở cai nghiện bắt buộc, đồng thời một số cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay sẽ phải chuyển đổi công năng cho phù hợp với yêu cầu…Tuy nhiên, hiện nay công tác triển khai về cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hay cai nghiện tự nguyện chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, do có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu trung lại do nguồn lực còn hạn chế của từng địa phương, chưa có sự quan tâm đầy đủ của Cấp ủy, Lãnh đạo tại địa phương, bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ chưa có chính sách cụ thể về việc hỗ trợ cho công tác cai nghiện tự nguyện…Nhưng với tình hình hiện nay người nghiện đang ở ngoài cộng đồng còn quá lớn (chiếm 83,7% trong số 235.314 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên cả nước), và có thể con số chưa thống kê được còn lớn hơn rất nhiều lần, vì vậy có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc.

Ba là, yếu tố ảnh hưởng xuất phát từ phía người nghiện ma túy và thân nhân của người cai nghiện ma túy.

Để hoạt động QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc được tiến hành theo quy định pháp luật thì đòi hỏi cá nhân người nghiện phải có nhu cầu cai nghiện, muốn từ bỏ ma túy, đoạn tuyệt với ma túy và sự tự giác hợp tác của người nghiện và gia đình của họ trong suốt quá trình lập hồ sơ, mở phiên tòa họp xét, trong suốt quá trình thi hành quyết định tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc và tái hòa nhập cộng đồng. Nếu ngược lại, thì sự chống đối sẽ diễn ra, trốn tránh quyết định dẫn đến gây ra nhiều hệ lụy không tốt trong công tác QLNN về cai nghiện ma túy bắt buộc.

Bốn là, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, theo đó đã ảnh hưởng, tác động đến việc QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc ở Việt Nam hiện nay.

Mọi hoạt động QLNN trên các lĩnh vực cần được dựa trên nền tảng pháp luật, tính thượng tôn pháp luật được đề cao và đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang ra sức đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và nhất là đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; theo đó đòi hỏi công tác QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc hiện nay cần được triển khai thực hiện thận trọng, đúng các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Năm là, yếu tố ảnh hưởng đến công tác QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc xuất phát từ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào các khâu của QLNN về công tác cai nghiện bắt buộc.

Nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại trong hoạt động của một tổ chức, trong đó chất lượng nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ phát triển bền vững của một tổ chức. Vì thế, có thể khẳng định rằng nguồn nhân lực (cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy, quản lý người cai nghiện ma túy trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng) có một vai trò hết sức

quan trọng đối với QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc và có yếu tố tác động mang tính quyết định đến hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc.

Nếu công tác chuẩn bị mọi nguồn lực (như nguồn nhân lực đảm bảo, được đào tạo, tập huấn cơ bản; cơ sở vật chất và các trang thiết bị thiết yếu đầy đủ…) của UBND cấp tỉnh đảm bảo trước khi triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy, quản lý người cai nghiện ma túy trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng thì hiệu quả mang lại sẽ khả quan; ngược lại nếu công tác chuẩn bị các nguồn lực chưa đảm bảo yêu cầu thiết yếu, chưa được đầu tư đúng mức thì kết quả mang lại sẽ khó khăn, thậm chí có nơi diễn biến phức tạp, khó lường (như các vụ việc người cai nghiện ma túy bạo động, trốn trại tập thể ở một số tỉnh/thành phố trong thời gian vừa qua đã phần nào minh chứng cho nhận định này).

Sáu là, yếu tố ảnh hưởng đến QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc xuất phát từ tình hình về tội phạm ma túy và người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.

Theo đó, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và tổ chức tập trung các giải pháp về cai nghiện ma túy đã mang lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, tình hình về tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 31/10/2019, cả nước có 235.314 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; Tỷ lệ người sử dụng ATS (các loại ma túy tổng hợp) chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện; đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 80 - 95% trong tổng số người nghiện. Đáng báo động là tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma tuý ngày càng phổ biến; việc sử dụng ATS và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Với thực trạng này sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức mới cho công tác QLNN về

hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc, nhất là áp lực về số lượng người nghiện ngày càng tăng, việc xác định tình trạng nghiện cũng như pháp đồ điều trị áp dụng cho người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp là chưa có qui định rõ ràng, đầy đủ, khó khăn về việc xác minh nơi cư trú...

Bảy là, yếu tố ảnh hưởng đến QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc xuất phát từ công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chủ thể tham gia trong quá trình lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quản lý người cai nghiện ma túy trong thời gian chấp hành quyết định XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Xuất phát từ những qui định của pháp luật, nhằm để thực hiện QLNN về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc thì đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể, gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Công an cấp xã, huyện, Phòng Tư pháp cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, TAND cấp huyện, các Sở ngành có liên quan, cơ sở xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Chính vì vậy cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia trên nguyên tắc hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật về lập hồ sơ đề nghị, tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quản lý cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy; hoạt động phối hợp phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị và không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan; bảo đảm công tác lập hồ sơ và tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được thực hiện kịp thời, thông suốt, hiệu quả. Ngược lại, nếu không có sự phối hợp tốt giữa các chủ thể tham gia thì sẽ gây tác động tiêu cực đến công tác lập hồ sơ, thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quản lý cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về hoạt động cai nghiện ma túy bắt buộc tại thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)