cai nghiện ma túy bắt buộc là giải pháp trọng tâm, then chốt trong tình hình hiện nay
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số đông nhất nước, lại là địa bàn trọng điểm phức tạp về nạn buôn bán, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Ðiều này cũng một phần lý giải vì sao Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ người nghiện lớn nhất nước.
Những năm qua, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện dù được Thành phố đầu tư, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ người nghiện, người tái nghiện vẫn ở mức cao. Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố còn hơn 25 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, số người nghiện “tự do” chưa được quản lý còn lớn gấp nhiều lần con số này. Trong khi đó, công tác cai nghiện vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được khắc phục.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng các hình thức cai nghiện: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó, theo định hướng, Thành phố sẽ hướng đến việc giảm dần tỷ lệ cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, tỷ lệ cai nghiện thành công của người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất hạn chế, nếu không muốn nói là không khả thi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là phương pháp điều trị nghiện thay thế bằng methadone đang dần giảm hiệu quả đối với các đối tượng sử dụng ma túy “đá” (ma túy tổng hợp). Mặt khác, theo thống kê của ngành chức năng, với khoảng 2/3 số người nghiện tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều là các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, không có gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh thì giải pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình vẫn là một bài toán nan giải.
Để công tác cai nghiện ma túy có hiệu quả đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, thì tiếp tục đưa vào cơ sở xã hội để tòa án xem xét, quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc là biện pháp cần thiết, hữu hiệu nhất. Ðối với các đối tượng đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi cần được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ sau khi áp dụng các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng không thành công.
Ðối với người có nơi cư trú ổn định, thì giáo dục tại phường, xã, thị trấn; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Công tác này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của gia đình, các ban, ngành, đoàn thể, các tình nguyện viên. Khi việc cai nghiện tại cộng đồng không thành công thì thực hiện các quy trình để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cần có biện pháp xử lý mạnh, đủ sức răn đe đối với các đối tượng đã cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện, nhất là các đối tượng nghiện ma túy đá. Ðây là các đối tượng sau khi sử dụng ma túy rất dễ gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội như nhiều trường hợp đau lòng đã từng xảy ra trước đây.