Sự cần thiết phải có chính sách xóa đói giảm nghèo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 29 - 32)

1.1. Đói nghèo và sự cần thiết phải có chính sách xóa đói giảm nghèo

1.1.2. Sự cần thiết phải có chính sách xóa đói giảm nghèo

1.1.2.1. Vai trò của nhà nước trong xóa đói giảm nghèo

Một đất nước muốn phát triển, muốn đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, điều tiên quyết là phải giảm được nghèo, phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, vai trò của nhà nước trong xóa đói giảm nghèo là sự tất yếu.

Nền kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại những hạn chế của nó, việc tồn tại nhiều thành phần kinh tế cùng xu hướng vận động của thị trường là quá trình cạnh tranh giữa các chủ thể nền kinh tế. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa các quốc gia đều phải thực hiện cam kết song phương và đa phương nên vì lợi ích chung của xã hội, đôi khi ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận. Vấn đề đói nghèo và công bằng xã hội không được các chủ thể tự giác quan tâm thực hiện. Nhà nước phải quản lý và can thiệp vào thị trường để điều tiết vĩ mô nền kinh tế theo những tiêu chí, mục tiêu phát triển nhất định của mỗi quốc gia thì công bằng xã hội mới được bảo đảm, chênh lệch giàu nghèo mới được thu hẹp. Thông qua điều tiết tổng thể nền kinh tế quốc dân, nhà nước thực hiện điều tiết thu nhập của bộ phận dân cư giàu có để tăng thu nhập cho bộ phận dân cư nghèo đói, yếu thế để tạo điều kiện cho họ vươn lên cùng phát triển, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Trong thực tế, nhiều dịch vụ người nghèo cần nhưng thị trường từ chối không cung cấp, cung cấp dưới mức mong muốn của họ hoặc người nghèo không có khả năng tiếp cận được các dịch vụ đó. Chẳng hạn như dịch vụ giới

thiệu việc làm, nếu các trung tâm giới thiệu việc làm hoạt động vì mục đích lợi nhuận, họ sẽ đòi hỏi người lao động trả phí khi tư vấn hoặc giới thiệu việc làm. Điều này khiến cho người nghèo không thể tiếp cận được các dịch vụ việc làm từ các trung tâm dịch vụ việc làm. Hoặc như đối với dịch vụ tính dụng, người nghèo rất cần nhưng ngân hàng không muốn cho người nghèo vay tiền vì rủi ro cao, món vay nhỏ, không có tài sản thế chấp, … Nhờ có sự can thiệp, định hướng của nhà nước, có thể thông qua hình thức hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, người nghèo có nhiều cơ hội để tiếp cận các dịch vụ trong xã hội.

Ngoài ra, có rất nhiều dịch vụ cho người nghèo cần có sự định hướng, khuyến khích của nhà nước để đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ đúng hướng cho người nghèo. Ngoài việc cấm các dịch vụ bất hợp pháp mà người nghèo dễ mắc phải (do thiếu thông tin hay do cần có thu nhập), nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các dịch vụ cần cho người nghèo, hữu ích đối với xã hội, giúp họ thoát nghèo bền vững.

Người nghèo có cuộc sống khó khăn khổ cực, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, tự thân họ sẽ rất khó để vươn lên thoát được nghèo. Để giảm nghèo không chỉ đòi hỏi ở sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của người nghèo, mà cả sự phối hợp giúp đỡ của toàn xã hội, bên cạnh đó cần sự định hướng, hỗ trợ và đầu tư nguồn lực rất lớn của nhà nước. Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, hỗ trợ về y tế, giáo dục, vốn… nhằm tác động để thúc đẩy sự vươn lên của các hộ nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có thể tự sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Nhà nước đóng vai trò là chủ thể của các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch, mục tiêu,… thực hiện giảm nghèo bền vững. Nhà nước tạo ra cơ hội thuận lợi để người nghèo và cộng đồng nghèo tiếp cận được các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh và hưởng thụ

được từ thành quả tăng trưởng một cách nhanh nhất và ổn định lâu dài. Như vậy, cho thấy vai trò của nhà nước trong xóa đói giảm nghèo.

1.1.2.2. Nội dung chính sách xóa đói giảm nghèo

Công tác quản lý nhà nước về XĐGN thể hiện những nội dung thiết yếu mà nhà nước phải giải quyết trong từng giai đoạn của quá trình phát triển KT-XH. Nội dụng của chính sách XĐGN bao gồm:

Thứ nhất, đánh giá, rà soát tình trạng đói nghèo: Đánh giá, rà soát tình trạng đói nghèo là một công việc vô cùng quan trọng để xây dựng các kế hoạch phát triển KT-XH của quốc gia và của từng địa phương. Trên cơ sở kết quả đánh giá, rà soát tình trạng đói nghèo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác định được những chỉ tiêu phát triển KT-XH trong từng giai đoạn cụ thể và là tiền đề cho việc hoạch định chính sách XĐGN.

Thứ hai, nhà nước xác định mục tiêu XĐGN. Mục tiêu XĐGN là những giá trị tương lai mà nhà nước theo đuổi phù hợp với những điều kiện cụ thể của quốc gia trong từng thời kỳ. Xác định mục tiêu trong XĐGN có ý nghĩa quyết định đến việc lựa chọn cách thức thực hiện và xác định các nguồn lực khác nhau để đạt được mục tiêu đó. Khi xác định mục tiêu XĐGN, các cơ quan nhà nước cần xác định các loại mục tiêu khác nhau trong đó bao gồm: mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của tiến trình phát triển KT-XH.

Thứ ba, xây dựng thể chế chính sách để giải quyết vấn đề đói nghèo. Đây là nhiệm vụ thể hiện vai trò trước tiên và quan trọng nhất của quản lý nhà nước trong hoạt động XĐGN. Trong quá trình giải quyết đói nghèo, nhà nước đã ban chính sách XĐGN cùng với những văn bản tổ chức thực hiện với nhiều hợp phần khác nhau hướng tới mục tiêu XĐGN trong tương lai ngắn hạn cũng như dài hạn.

Thứ tư, nhà nước xác định các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và quyết định điều phối, phân bổ nguồn lực cho công tác XĐGN. Trong thực tiễn quản lý nhà nước ở nước ta về XĐGN, luôn nêu rõ tổng nguồn vốn cho XĐGN, bố trí vốn theo nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động vốn theo tính chất sử dụng, như đầu tư phát triển, đầu tư cho tín dụng, áp dụng cơ chế huy động tối đa nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, từ cách doanh nghiệp, cộng đồng các tổ chức cá nhân ở cả trong và ngoài nước.

Thứ năm, nhà nước tổ chức thực hiện chính sách và quản lý công tác XĐGN (công tác này sẽ được luận án trình bày cụ thể trong mục 2.2 khi nghiên cứu về thực hiện chính sách XĐGN).

Thứ sáu, nhà nước chủ động trực tiếp thường xuyên theo dõi giám sát nắm bắt tình hình và đánh giá kết quả thực hiện chính sách XĐGN để hướng các hoạt động phát triển KT-XH đến XĐGN của các chủ thể tham gia nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra trên cơ sở phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 29 - 32)