Quy trình, phương pháp thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 39 - 44)

1.2. Thực thi chính sách giảm nghèo

1.2.3. Quy trình, phương pháp thực hiện

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách XĐGN diễn ra trong thời gian dài và có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, vì thế để chính sách XĐGN mang lại kết quả và hiệu quả như mong muốn của nhà nước cũng như các đối tượng chính sách thì quá trình tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện theo một quy trình khoa học, hợp lý và phù hợp với những điều kiện khách quan của quá trình chính sách. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách XĐGN cần phải được thực hiện theo quy trình sau:

1.2.3.1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách

Để đảm bảo cho chính sách XĐGN nhanh chóng và dễ dàng đi vào đời sống xã hội, chúng cần phải được cụ thể hóa bằng những Kế hoạch hành động cụ thể để các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện một cách chủ động và có kết quả, hiệu quả.

Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách XĐGN được xây dựng trước khi đưa chính sách vào đời sống xã hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan có trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách từ trung ương đến địa phương đều phải xây dựng các Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách XĐGN bao gồm những nội dung cơ bản như; kế hoạch về tổ chức, điều hành; kế hoạch cung cấp các nguồn vật lực; kế hoạch thời gian triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách XĐGN; dự kiến những nội quy, quy chế về tổ chức, điều hành...

Kế hoạch thực hiện chính sách XĐGN ở cấp nào sẽ do cơ quan chủ trì của cấp đó xây dựng. Sau khi được quyết định thông qua, kế hoạch thực hiện

chính sách sẽ mang giá trị pháp lý, được các chủ thể triển khai thực hiện chính sách và cả đối tượng của chính sách nghiêm chỉnh thực hiện.

1.2.3.2. Phổ biến, tuyên truyền về chính sách

Sau khi bản kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách XĐGN được thông qua, các cơ quan nhà nước tiến hành tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch. Việc trước tiên cần làm trong quá trình này là tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách XĐGN. Đây là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa lớn với cơ quan nhà nước và các đối tượng thực hiện chính sách. Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng chính sách và mọi người dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách và tính khả thi của chính sách...trong điều kiện hoàn cảnh nhất định để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền chính sách còn giúp cho mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhận thức được đầy đủ tính chất, quy mô của chính sách cũng như vai trò của chính sách XĐGN đối với đời sống xã hội để họ chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách được giao.

Phổ biến, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách XĐGN được thực hiện thường xuyên, liên tục, kể cả khi chính sách đang được thực hiện, để mọi đối tượng cần tuyên truyền luôn được củng cố lòng tin vào chính sách và tích cực tham gia vào thực hiện chính sách. Phổ biến, tuyên truyền chính sách bằng nhiều hình thức như trực tiếp tiếp xúc, trao đổi với các đối tượng là người nghèo, hộ nghèo qua các phương tiện thông tin đại chúng v.v. Tuỳ theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, tính chất của chính sách và điều kiện cụ thể mà có thể lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động cho phù hợp với điều kiện hiện có của cơ quan, đơn vị mình.

1.2.3.3. Huy động nguồn lực để thực hiện chính sách

Nguồn lực để thực hiện chính sách XĐGN là các điều kiện cần có về con người, nguồn vốn và các phương tiện cần thiết khác để đảm bảo thực hiện các mục tiêu mà chính sách đã đề ra. Quá trình triển khai thực hiện chính sách đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó phải kể đến các nguồn lực sau:

- Nguồn lực về con người (nguồn nhân lực). Trong số các nguồn lực thì nguồn nhân lực được xem là một trong những nguồn lực quan trọng nhất. Bởi lẽ, nguồn nhân lực là nguồn lực sống duy nhất có thể sử dụng và kiểm soát các nguồn lực khác, có thể khai thác tối đa khả năng, năng suất và hiệu quả của nguồn lực này.

Nguồn nhân lực để thực hiện chính sách XĐGN là tất cả các cán bộ, công chức, các đối tượng của chính sách và các cá nhân khác trong xã hội tham gia vào quá trình triển khai thực hiện chính sách nhằm đưa chính sách vào đời sống xã hội.

Để triển khai thực hiện chính sách XĐGN đúng đắn và hiệu quả, điều tất yếu là cần đến một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách là quá trình phân công, giao nhiệm vụ cho mỗi cơ quan, đơn vị mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức để họ đưa chính sách vào đời sống và duy trì chính sách để nó phát huy được hiệu quả đối với xã hội.

- Nguồn tài chính. Chính sách XĐGN tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên những đối tượng đặc biệt là người nghèo, cận nghèo và hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đói trong một phạm vi không gian và thời gian rộng lớn. Do vậy nguồn tài chính để phục vụ cho quá trình này là không hề nhỏ. Nguồn tài chính để phục vụ cho quá trình thực hiện chính sách XĐGN được huy động từ các nguồn sau: ngân sách nhà nước; nguồn vốn viện trợ (ODA); nguồn vốn từ các doanh nghiệp; nguồn vốn huy động từ nhân dân.

- Nguồn lực Khoa học công nghệ: Khoa học công nghệ là một trong bốn nguồn lực quyết định sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia. Ngày nay, khi mà nhân loại bước vào kỷ nguyên tri thức thì khoa học công nghệ càng khẳng định hơn vai trò quyết định đến quá trình tăng trưởng kinh tế và XĐGN, đặc biệt là đối với các nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.

- Nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản…) là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và XĐGN. Việc quản lý, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên này sẽ tạo ra động lực cho quá trình phát triển. Những loại tài nguyên quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH hội hầu hết là những loại tài nguyên hữu hạn.

Do vậy để thực hiện tốt chính sách XĐGN cần quản lý, khai thác có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên, để nguồn tài nguyên thực sự là một nguồn lực giúp cho Việt Nam có thể xóa được đói và giảm được nghèo, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

1.2.3.4. Phân công, phối hợp thực hiện

Chính sách XĐGN khi được tổ chức thực hiện cần có sự chung tay thực hiện của nhiều cấp, nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế các chủ thể tham gia vào quá trình này rất phong phú, bao gồm các đối tượng của chính sách (người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng nghèo), các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghiệp đoàn, hiệp hội thậm chí là các nhà khoa học và các đối tượng khác trong xã hội... Bởi vậy, muốn tổ chức thực hiện chính sách XĐGN có hiệu quả cần phải tiến hành phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp chính quyền địa phương, các yếu tố tham gia thực hiện chính sách. Trong thực tế thường hay phân công cơ quan chủ trì và các cơ chế phối hợp thực hiện một

cách cụ thể. Hoạt động phân công, phối hợp diễn ra theo tiến trình thực hiện chính sách một cách chủ động, sáng tạo để luôn duy trì chính sách được ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách XĐGN.

1.2.3.5. Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện chính sách

Thực hiện chính sách XĐGN diễn ra trên địa bàn rộng và do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia. Các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường ở các vùng, địa phương không giống nhau, cũng như trình độ, năng lực tổ chức điều hành của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước không đồng đều, do vậy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách. Qua kiểm tra, đôn đốc thường xuyên sẽ giúp cho nhà nước nắm bắt được tình hình thực hiện chính sách, từ đó đánh giá được một cách khách quan về những điểm mạnh, điểm yếu của công tác tổ chức thực hiện chính sách; giúp phát hiện những thiếu sót trong công tác lập kế hoạch tổ chức thực hiện để điều chỉnh; tạo điều kiện phối hợp nhịp nhàng các hoạt động giữa các cơ quan, đối tượng thực hiện chính sách; tạo ra sự tập trung thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu chính sách; kịp thời khuyến khích những mô hình giảm nghèo phù hợp, mang lại kết quả để tạo ra những phong trào thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu của chính sách XĐGN.

Kiểm tra, theo dõi sát sao tình hình tổ chức thực hiện chính sách vừa kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách, vừa điều chỉnh công tác tổ chức thực hiện chính sách, giúp nâng cao kết quả thực hiện chính sách của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Chủ thể kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện chính sách XĐGN là các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác về kết quả kiểm tra đánh giá, quá trình này còn cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân, thậm chí là của chính đối tượng

chính sách. Có như vậy mới bảo đảm được tính dân chủ trong quá trình thực hiện chính sách.

Từ quy trình tổ chức thực hiện chính sách XĐGN nêu trên, các cơ quan nhà nước đặc biệt là chính quyền các cấp ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện chính sách theo trình tự các bước trong quy trình (Sơ đồ 1.1). Để đánh giá kết quả và hiệu quả của chính sách, các cơ quan đánh giá chính sách cũng dựa trên quy trình trên để tiến hành hoạt động đánh giá chính sách của mình.

Sơ đồ 1.1: Nội dung quy trình tổ chức thực hiện

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Khi nghiên cứu về thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách XĐGN phường Phú Đô, luận văn cũng dựa trên quy trình này để từ đó đi đến những kết luận về thực trạng thực hiện chính sách XĐGN ở phường Phú Đô trong thời gian qua.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 39 - 44)