Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 52 - 54)

2.1. Khái quát chung về kinh tế xã hội phường Phú Đô

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Phường Phú Đô được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ - CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường trên địa bàn Thành phố Hà Nội và chính thức hoạt động từ ngày 01/4/2014. Với vị trí địa lý nằm ở phía Tây Nam Thành phố, trung tâm của Quận Nam Từ Liêm, nơi có con sông Nhuệ chảy qua. Phía Đông giáp: Phường Mễ Trì; phía Tây giáp phường Đại Mỗ, phường Tây Mỗ, phía Nam giáp phường Trung Văn; phía bắc giáp phường Mỹ Đình I. Phường Phú Đô có diện tích 260,29 ha, dân số 13.611 người, nằm ở vị trí trung tâm của quận Nam Từ Liêm, phường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; địa bàn có các tuyến đường lớn như: Đại lộ Thăng Long, đường Lê Quang Đạo, đường Châu Văn Liêm; có các dự án và những công trình lớn của Quốc gia và thành phố Hà Nội đã và đang được xây dựng như: Khu liên hợp thể thao Quốc gia, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, Cung văn hóa hữu nghị Việt Trung, khách sạn dầu khí… Phường có nghề truyền thống sản xuất bún Phú Đô nổi tiếng. Địa bàn phường được chia làm 6 tổ dân phố, có 4 nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, có một Đình làng, 03 chùa và 04 Đền, có đầy đủ hệ thống trường học phục vụ công tác giáo dục: trường Mầm non, trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở, một Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và một Câu lạc bộ nghề bún.

Tuy nhiên, do tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, phường Phú Đô đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: dân số cơ học ngày càng tăng khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa bàn, trật tự xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp; sức ép về vấn đề lao động việc làm, bảo vệ môi trường, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu... Nhận thức, thói quen của nhân dân vẫn chưa thực sự bắt nhịp với nếp sống văn minh đô thị. Mặt khác, do phường mới được thành lập nên còn thiếu trụ sở làm việc, các thiết chế công, đội ngũ cán bộ mới, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm quản lý đô thị.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, từ ngày 1/4 đến nay phường đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ nhằm đảm bảo duy trì ổn định hoạt động và đã đạt được những kết quả rất tích cực.

2.1.2. Kinh tế

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của phường vẫn duy trì ổn định và từng bước phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ - phát triển nghề truyền thống và nông nghiệp. Nghề bún truyền thống được duy trì, toàn phường hiện có 164 cơ sở sản xuất, hơn 260 cơ sở kinh doanh bún; nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc vào sản xuất cho năng suất và chất lượng cao. . Tổng sản lượng bún tiêu thụ đạt 80 tấn/1 ngày; chất lượng luôn được đảm bảo, từng bước nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường. Câu lạc bộ nghề bún đã tổ chức hoạt động tốt, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh bún thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp: Diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa nhanh; nhân dân vẫn duy trì cấy trồng 9 ha lúa; 4 ha rau màu; 2,9 ha thủy sản. Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do ruộng đồng bị chia cắt, không thuận lợi cho việc tưới tiêu. Ủy ban nhân dân phường đã giao

Hợp tác xã Phú Đô tham mưu triển khai xây dựng Đề án phát triển mô hình sản xuất bún khô và đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; duy trì kinh doanh chợ tạm để đảm bảo giao lưu buôn bán đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Số hộ kinh doanh tại chợ là 195 hộ, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo vùng ven đô nghiên cứu trường hợp phường phú đô, quận nam từ liêm, hà nội (Trang 52 - 54)