Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lượt nước ta một lần nữa. Với tinh thần “... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ngay từ những ngày đầu non trẻ của chính quyền cách mạng, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sỹ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương và hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và nêu lên những quan điểm cơ bản về ưu đãi người có công với cách mạng, hình thành chính sách ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Theo Người: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc
với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Với truyền thống gắn bó, đoàn kết, chung lưng đấu cật chống thiên tai, địch họa trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đạo lý nhân ái thuỷ chung đã trở thành lẽ sống, là nét đẹp trong đời sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đạo lý tôn thờ, hậu đãi người có công với đất nước, với dân tộc của cha ông đã được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh và là nền tảng sức mạnh để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”, thống nhất non sông về một dải với những chiến thắng hào hùng ghi sâu trong lịch sử dân tộc và nhân loại.
Chính sách đối với người có công là một trong những chính sách ưu tiên, xuyên suốt quá trình cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL về quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.
Để thực hiện tốt công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, tháng 6/1947, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp để bàn về công tác thương binh liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch. Tại cuộc họp này đại biểu đã thống nhất chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc” để gửi thư, quà thăm hỏi, động viên nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đến tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày “Thương binh Toàn quốc” thành ngày “Thương binh liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định công tác thương binh, liệt sỹ là một trong những vấn đề lớn của đất nước ta. Từ quan điểm đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới.
Bắt đầu từ Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định yêu cầu nhiệm vụ của công tác thương binh, liệt sỹ sau chiến tranh. Sau đó Nhà nước ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với người có công; xác nhận chính xác đối tượng người có công để họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước. Cùng với sự đổi mới của đất nước khi thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng ở Chương V, Điều 67 của Hiến pháp năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 29/8/1994, và được quy định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày
29/4/1995 của Chính phủ. Việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nhiều vấn đề còn tồn tại trong chính sách ưu đãi trước đây được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, như việc áp dụng thống nhất mức trợ cấp giữa thương binh hưởng lương và thương binh hưởng sinh hoạt phí khi bị thương; giữa thương binh đang công tác hay nghỉ hưu với thương binh về địa phương có cùng tỷ lệ thương tật; thực hiện công bằng trong chính sách giữa người có công thoát ly và không thoát ly, căn bản tách chế độ ưu đãi tồn tại từ mấy chục năm trong chính sách bảo hiểm xã hội chuyển sang chính sách ưu đãi xã hội (như thâm niên kháng chiến, phụ cấp đối với cán bộ Lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...).
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nêu rõ một nguyên tắc chung là chế độ ưu đãi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được luật pháp hoá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống như (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, về việc làm, ruộng đất, tín dụng, miễn giảm thuế…).
Tiếp nối các văn bản quy định của Nhà nước để thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công hiện nay các văn bản quy định đang thực hiện trên cả nước cụ thể đó là: Ngày 16/7/2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung, một số điều pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ; Ngày 09/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định, chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Ngày 15/5/2013 Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLDTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; Ngày
30/7/2014 Bộ LĐ-TB&XH Ban hành Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công cách mạng;…. Các văn bản trên đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên cả nước.
Phương châm thực hiện chính sách người có công trên địa bàn huyện Minh Long dựa vào cơ sở 3 nguồn lực “Nhà nước, nhân dân và bản thân đối tượng”. Vì vậy việc thực hiện chính sách và chăm lo cho Người có công đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các chính sách đối với Người có công được giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Người có công và gia đình Người có công luôn được quan tâm giúp đỡ để đảm bảo cuộc sống bằng và cao hơn so với mức sống trung bình ở địa phương. Việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn là một nét đẹp, một truyền thống nhân văn lâu đời của dân tộc.
Chính sách đối với người có công không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước mà còn là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.