Vai trò của thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại trung tâm hành chính công tỉnh thừa thiên huế (Trang 27 - 31)

1.1. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai

1.1.3. Vai trò của thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai

Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, không những là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng, mà đất đai còn là yếu tố không thể thiếu được trong tiến trình phát triển của đất nước, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là sự đảm bảo cho mục tiêu ổn định chính trị và phát triển xã hội. Vì vậy, nhà nước phải quản lý chặt chẽ để tạo môi trường pháp lý, đảm bảo việc điều tiết quan hệ thị trường lành mạnh trong việc sử dụng đất thông qua pháp luật, chính sách và các công cụ quản lý, trong đó, TTHC trong lĩnh vực đất đai giữ một vai trò rất quan trọng trong việc điều hành bộ máy công quyền, đảm bảo tính pháp chế và đem lại hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng gần 20 lần nói đến vấn đề cải cách hành chính, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: “Bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân … đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình

trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục”. Nghiên cứu về TTHC, nhiều học giả5

đề cập đến vai trò quan trọng của TTHC nói chung, từ đó làm cơ sở xác định vai trò của TTHC trong lĩnh vực đất đai, thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Thứ nhất, TTHC trong lĩnh vực đất đai đóng vai trò là cơ sở pháp lý vững chắc để các chủ thể tiến hành thực hiện các hoạt động giải quyết công việc thuộc chức năng của mình đồng thời là chuẩn mực để đánh giá và đảm bảo tính hợp pháp của quá trình thực hiện các nhiệm vụ công vụ. Hệ thống các quy phạm quy định về TTHC trong lĩnh vực đất đai sẽ tạo ra khung pháp lý, trật tự ổn định cho các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai làm việc theo pháp luật. Thông qua đó, hiệu quả quản lý đất đai sẽ được tăng cường. TTHC trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt đó là thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là công cụ có tính pháp lý, cho nên những quy định của TTHC mang tính mệnh lệnh, uy quyền đòi hỏi các chủ thể khi tham gia TTHC phải thực hiện đúng như quy định. Như vậy, TTHC trong lĩnh vực đất đai trực tiếp giúp cho việc điều hành, quản lý của cơ quan hành chính nhà nước được trật tự, thống nhất tránh được tình trạng thiếu khách quan khi giải quyết các yêu cầu của nhân dân liên quan đến đất đai. Nó đảm bảo cho việc thi hành các quyết định được thống nhất và có thể kiểm tra được tính hợp pháp, hợp lý cũng như các hệ quả do việc thực hiện các quyết định hành chính tạo ra. Qua TTHC, bản thân chủ thể thực hiện cũng như các chủ thể tham gia thủ tục có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát cách thức, quy trình giải quyết công việc của cán

5 Xem một số tài liệu:

- Nguyễn Văn Thâm, Võ Kim Sơn (2002), Thủ tục hành chính - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia.

bộ, công chức nhà nước, kịp thời phản ánh, kịp thời ngăn chặn hành vi tiêu cực, sách nhiễu. Nếu thiếu TTHC trong lĩnh vực đất đai sẽ làm hạn chế các quyết định hành chính của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, chẳng hạn như: nếu không cấp thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì rất khó kiểm soát cũng quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà nhà nước đã đưa ra.

- Thứ hai, TTHC trong lĩnh vực đất đai là phương tiện bảo đảm thực hiện đúng đắn các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức khi tham gia vào lĩnh vực quản lý đất đai. Từ phương diện này, vai trò bảo đảm của TTHC đối với việc thực hiện quyền hay nghĩa vụ của họ được thể hiện ở hai phương diện sau: (1) TTHC là phương tiện để cá nhân hay tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình một cách chính đáng, họ chủ động thực hiện các hành vi cần thiết theo quy định của pháp luật để cộng tác cùng các cơ quan hành chính để đạt được kết quả như mong muốn; (2) Về phía các cá nhân, tổ chức nếu nhận thấy quyền lợi hay lợi ích hợp pháp của mình bị cơ quan nhà nước vi phạm thì cũng bằng chính các quy định pháp luật về TTHC, họ thực hiện quyền khiếu nại để được xem xét, giải quyết.

Chẳng hạn, thủ tục Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là thủ tục hành chính nhằm thiết lập một hệ thống hồ sơ địa chính đầy đủ, chặt chẽ giữa Nhà nước và đối tượng sử dụng đất, là cơ sở để Nhà nước quản lý, nắm chặt toàn bộ diện tích đất đai và người sử dụng, quản lý đất đai theo pháp luật. Thông qua việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để đảm bảo chế độ quản lý nhà nước về đất đai một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cũng như là “căn cứ để nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội”[21, tr.32]. Đồng thời, thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì

người sử dụng đất hợp pháp có các quyền sau: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế và góp vốn liên doanh bằng đất đai, trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép và làm cơ sở pháp lý để xác định các quyền của người sử dụng đất được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm: cũng như xác định nghĩa vụ mà người sử dụng đất phải tuân thủ theo pháp luật như nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất có hiệu quả… Điều này có tác dụng tích cực trong quản lý đất đai cũng như đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất [21, tr.39].

- Thứ ba, các TTHC về đất đai và trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất là những điều kiện bắt buộc phải thực hiện đối với các cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền cũng như các chủ thể sử dụng đất. Thông qua đó, nhằm tạo ra ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đất đai trong cuộc sống và đó cũng là nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung.

Như vậy, việc tuân thủ TTHC trong lĩnh vực đất đai là yếu tố bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc xác định TTHC trong quản lý và sử dụng đất đai nhằm tạo ra một chuẩn mực trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Hệ thống quy phạm mang tính thủ tục này có vai trò thúc đẩy hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trên thực tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các quyền tự do của cá nhân, tổ chức, tính công khai, minh bạch trong hoạt động chấp hành, điều hành và qua đó tạo điều kiện để giám sát, kiểm soát hoạt động của các chủ thể tiến hành TTHC. Với tính chất là công cụ để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính của mình, TTHC trong lĩnh vực đất đai bảo đảm cho việc thi hành các quyết định quản lý về đất đai được thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại trung tâm hành chính công tỉnh thừa thiên huế (Trang 27 - 31)