1.2. Thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
1.2.2. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
đất đai
Việc thực hiện TTHC nói chung hay thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, bao gồm:
- Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch các TTHC trong lĩnh vực đất đai đang được thực hiện: Nguyên tắc này thể hiện trách nhiệm công bố, phổ biến việc thực hiện TTHC (công khai), làm cho mọi người dân có thể tiếp cận được các quyết định của nhà nước một cách dễ dàng. Bên cạnh việc công khai, việc thực hiện TTHC không khuất tất, không rắc rối, không gây khó khăn cho công dân trong tiếp cận thông tin (minh bạch).
- Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm khách quan, công bằng trong thực hiện TTHC: Trong quá trình thực hiện TTHC về đất đai, các cơ quan nhà nước phải có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin và các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp một cách chính xác, đầy đủ các thông tin khi được yêu cầu. Ngoài ra các cơ quan nhà nước phải có một chế độ công vụ rõ ràng và khoa học, có sự phân công trách nhiệm rành mạch thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai.
- Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm tính liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà trong thực hiện TTHC: Việc thực hiện TTHC phải bảo đảm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thủ tục, nhằm rút gọn tối đa thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân. Theo đó, TTHC trong lĩnh vực đất đai được xây dựng, ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện với người dân, doanh nghiệp.
- Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm quyền được PA, KN của các cá nhân, tổ chức đối với các TTHC: Trong quá trình thực hiện TTHC về đất đai, cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý PA, KN của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính để hỗ trợ nhân dân, nâng cao chất lượng các quy định của pháp luật về TTHC thông qua việc tổng hợp ý kiến phản ánh, rà soát văn bản quản lý và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền.
- Thứ năm, nguyên tắc đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức: Cơ quan nhà nước phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục; giải quyết hồ sơ nhanh hơn so với thời gian theo quy định nếu có thể; hướng dẫn tổ chức, công dân tận tình, chu đáo và ứng xử trong giao tiếp văn minh, lịch sự; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần; không gây khó khăn, phiền hà, thiếu tinh thần trách nhiệm, “vô cảm” khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.