2.1.1. Địa vị pháp lý và tổ chức bộ máy của Trung tâm Hành chính công
a) Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Hành chính công
Trung tâm HCC tỉnh do UBND tỉnh thành lập [36], là tổ chức hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh - đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết TTHC, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm điện tử trong giải quyết TTHC, xây dựng hồ sơ, giấy tờ điện tử của công dân và tổ chức.
Trung tâm HCC tỉnh được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng UBND tỉnh về tổ chức và hoạt động; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiệm vụ của Trung tâm HCC tỉnh được quy định gồm:
* Tổ chức việc hướng dẫn, tiếp nhận, giao trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân:
- Tổ chức niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các TTHC; - Số hóa hồ sơ hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể thông qua cập nhật thông tin đầu tư, các hồ sơ của các
cá nhân khi đến nộp hồ sơ giải quyết TTHC và được lưu giữ sử dụng chung; hướng dẫn, tiếp nhận, giao trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương;
- Điều hòa, phối hợp hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, trao trả kết quả giải quyết TTHC của các công chức, viên chức được điều động làm việc tại Trung tâm HCC.
* Giải thích, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện việc nộp và nhận kết quả giải quyết TTHC đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền tại Trung tâm HCC.
* Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, giao trả kết quả giải quyết TTHC: - Theo dõi các cơ quan, đơn vị liên quan đến làm việc tại Trung tâm HCC trong hướng dẫn, tiếp nhận, giao trả kết quả giải quyết các TTHC;
- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc giải quyết các TTHC theo đúng chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và thời hạn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong giải quyết TTHC đã được nhận và chuyển tại Trung tâm HCC.
- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC; báo cáo định kỳ, đột xuất với UBND tỉnh.
- Thực hiện công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức được bố trí làm việc tại Trung tâm HCC.
- Tham gia đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm điện tử nhằm tin học hóa tất cả các giao dịch hành chính trong giải quyết TTHC.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện những công việc có liên quan trong quá trình giải quyết các TTHC liên thông; trao đổi công tác nghiệp vụ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm HCC.
- Quản lý nhân sự, tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật của Trung tâm HCC theo quy định của pháp luật; bố trí khoa học, hợp lý các khu vực cung cấp thông tin, giải quyết TTHC, trang thiết bị phục vụ tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.
* Thực hiện việc thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định; đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể khác khi được giao.
b) Quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hành chính công tỉnh * Quyền hạn của Trung tâm Hành chính công tỉnh
- Kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương, đảm bảo đúng quy trình, thời gian quy định thông qua phần mềm điện tử. Chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị trực tiếp xử lý, giải quyết TTHC, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình giải quyết TTHC; phối hợp làm rõ nguyên nhân các trường hợp giải quyết TTHC chậm so với quy định.
- Đánh giá, nhận xét về việc tiếp nhận, tiến độ giải quyết hồ sơ; tinh thần trách nhiệm, thái độ, tác phong làm việc của công chức, viên chức tại Trung tâm; đề nghị thủ trưởng các đơn vị chủ quản khen thưởng hoặc kỷ luật theo quy định.
- Phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương quyết định điều động hoặc luân chuyển công chức, viên chức vi phạm Quy chế làm việc, quy trình giải quyết TTHC hoặc năng lực chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
* Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hành chính công tỉnh
Trung tâm HCC tỉnh thành lập trên cơ sở chuyển toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận TN&TKQ ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương về tập trung tại một đầu mối là Trung tâm HCC. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm:
- Ban Lãnh đạo: Giám đốc và 01 Phó Giám đốc.
- Các Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ: Bộ phận Hành chính - Tổng hợp - Kiểm soát TTHC); Bộ phận Hỗ trợ - Giám sát; Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả:
+ Bộ phận Hành chính - Tổng hợp: Thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, quản lý văn bản, số hóa hồ sơ, quản lý tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm điện tử.
+ Bộ phận Hỗ trợ - Giám sát: Thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết TTHC; giám sát toàn bộ các hoạt động của Trung tâm HCC; tiếp nhận, xử lý những PA, KN của các tổ chức, cá nhân đối với những nội dung liên quan đến việc giải quyết TTHC và việc thực hiện công vụ của công chức, viên chức tại Trung tâm HCC; tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của Trung tâm HCC.
+ Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết của tổ chức, cá nhân đối với các TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan
Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm HCC [36].
2.1.2. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế
- Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.
- Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại một đầu mối là Trung tâm HCC tỉnh, trừ những thủ tục hành chính đặc thù.
- Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.
- Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.
- Công chức, viên chức tiếp nhận không được yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp thêm bất kỳ một loại giấy tờ nào khác ngoài danh mục thành phần hồ sơ.
- Việc hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, điều chỉnh nội dung, gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân được thực hiện một lần, cụ thể, đầy đủ bằng văn bản.
- Không làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
- Trung tâm HCC tỉnh làm việc theo giờ hành chính các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy, trừ các ngày lễ, tết... theo quy định của pháp luật [37].