Thực hiện pháp luật về văn thư,lưu trữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức thực hiện pháp luật về văn thư lưu trữ trong cơ quan, tổ chức đảng tại tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 30)

1.2. Pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về văn thƣ, lƣu trữ

1.2.3. Thực hiện pháp luật về văn thư,lưu trữ

1.2.3.1. Khái niệm thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật là yêu cầu khách quan của tất cả mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào các hoạt động trong xã hội mà pháp luật quy định.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin nghiên cứu về thực hiện pháp luật đều cho rằng: Thực hiện pháp luật là quá trình tiếp tục ý chí của nhà nước thể hiện trong pháp luật, thực hiện pháp luật là một mắt xích quan trọng của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bởi vì nội dung cốt lõi của pháp chế là sự tuân thủ pháp luật, sự thực hiện pháp luật một cách triệt để.

Theo V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, T.42, tr.97: “Pháp chế là sự tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các đạo luật và điều quan trọng là các đạo luật được ban hành đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và nguyện vọng của quần chúng nhân dân lao động và vấn đề quan trọng nhất là pháp luật ban hành phải được tuân thủ thực hiện đồng thời pháp luật được ban hành phải có sự thống nhất cao, có như vậy pháp chế mới được đảm bảo thực hiện”

Trong Giáo trình lý luận chung Nhà nước và pháp luật,NXB Chính trị quốc gia,2003: Thực hiện pháp luật là một hiện tượng xã hội mang tính quản lý, quá trình hoạt động thực hiện pháp luật diễn ra đồng thời và tiếp nối quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước. Theo quan điểm này thực hiện pháp luật mang nội hàm rộng là một hiện tượng xã hội mang tính quản lý. Quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật là hai dạng hoạt động khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Xây dựng pháp luật là quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ban hành pháp luật và không ngừng hoàn thiện pháp luật.

Thực hiện pháp luật là vấn đề rộng lớn, phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể: cá nhân, tổ chức khác nhau nhằm đưa pháp luật vào đời sống thực tiễn, là quá trình hiện thực hóa các quy định pháp luật, nguyên tắc pháp luật vào các trường hợp cụ thể. Quá trình thực hiện pháp luật diễn ra đồng thời, kế tiếp và hiện hữu ngay chính trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật.

Trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, yêu cầu tôn trọng pháp luật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản. Mặc dù các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật có thể được trao những khoảng không gian nhất định để thực hiện công việc nhằm đảm bảo việc thực hiện pháp luật có tính linh hoạt, phù hợp với các tình huống trên thực tế, nhưng tất cả mọi quyền hạn đó đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và phải được pháp luật trao quyền. Ở đây, yêu cầu Nhà nước chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép càng được nhấn mạnh. Nói cách khác, việc tổ chức thực hiện pháp luật phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhất định và phải có tính thống nhất với tổng thể hệ thống pháp luật. Tổ chức thực hiện pháp luật trong Nhà nước pháp quyền không được tuỳ tiện hoặc ngẫu nhiên, mà phải tuân theo các tiêu chuẩn đã định.

So với công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ pháp luật, công tác tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tế chưa được coi trọng đúng mức, chưa theo kịp với công tác lập pháp mặc dù giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ, là cơ sở cho nhau cùng tồn tại và thể hiện tính hiệu quả của pháp luật trên thực tế. Hiểu biết pháp luật nói chung và vận dụng pháp luật đều ở dưới mức yêu cầu là một lý do khiến quá trình thực hiện pháp luật còn hạn chế nhất định. Hành vi công vụ đôi khi được thực hiện theo thói quen, hoặc kinh nghiệm mà không dựa trên cơ sở pháp luật. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá thực hiện pháp luật vẫn chưa thành cơ chế hoạt động thường xuyên, chưa bảo đảm tính độc lập nên chưa tạo thành sự cần thiết bắt buộc và có tiêu chí để đánh giá.

Như vậy để thực hiện vai trò quản lý xã hội của mình, Nhà nước cần bắt buộc thực hiện đồng thời cả hoạt động xây dựng hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật. Thực hiện pháp luật là một trong những hình thức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật là đòi hỏi khách quan của việc quản lý nhà nước, tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực hiện pháp luật là quá trình đưa pháp luật vào thực tế cuộc sống nhằm thực hiện mục tiêu quản lý xã hội của mình.

Như vậy, thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tế của chủ thể pháp luật theo mục tiêu quản lý nhà nước.

Có bốn hình thức thực hiện pháp luật là:

- Tuân thủ pháp luật: là một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật tự kiềm chế để không thực hiện những hành vi, hoạt động mà pháp luật ngăn cấm. Đây là hình thức thực hiện những quy phạm pháp luật cấm trong lĩnh vực luật hình sự, luật hành chính… Tuân theo pháp luật

biểu hiện cách xử sự thụ động của các chủ thể, song nó cũng thể hiện sự tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Tuân theo pháp luật chưa làm phát sinh quan hệ pháp luật.

- Thi hành (chấp hành) pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực nhất định. Những quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc, như quy định phải thực hiện những hành vi tích cực nhất định, thường được thực hiện theo hình thức này.

- Sử dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình ( thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Những quy phạm pháp luật về quyền tự do dân chủ của công dân được thực hiện ở hình thức này.

- Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Trong trường hợp này, các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật có sự can thiệp của nhà nước.

1.2.3.2. Khái niệm tổ chức thực hiện pháp luật về văn thư, lưu trữ

Dưới góc độ của khoa học pháp lý thì thực hiện pháp luật là hành vi phù hợp với các quy tắc, yêu cầu đòi hỏi của chuẩn mực pháp luật, mang lại và đáp ứng lợi ích xã hội, nhà nước và của công dân. Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào thực tiễn, trở thành hành vi của chủ thể pháp luật. Chủ thể pháp luật là các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước.

Trên cơ sở lý giải, phân tích khái niệm văn thư, lưu trữ; pháp luật về văn thư lưu trữ và phân tích khái niệm thực hiện pháp luật, khái niệm thực hiện pháp luật về văn thư lưu trữ được hiểu như sau :

Tổ chức thực hiện pháp luật về văn thư, lưu trữ là hoạt động, quá trình có mục đích làm cho những quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ đi vào thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức.

Trong phạm vi nghiên cứu luận văn, tổ chức thực hiện pháp luật về văn thư, lưu trữ trong cơ quan tổ chức Đảng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay, chủ yếu tập trung nghiên cứu quá trình tổ chức thực hiện quy định pháp luật về văn thư, lưu trữ trong cơ quan, tổ chức Đảng ở cấp tỉnh và huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức thực hiện pháp luật về văn thư lưu trữ trong cơ quan, tổ chức đảng tại tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 30)