Giải pháp chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 89 - 95)

3.2.1.1. Nâng cao nhận thức của các cơ quan và mọi tầng lớp nhân dân về chính sách đối với người có công

Chính sách đối với người có công là một bộ phận quan trọng trong đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Việc nhận thức đúng đắn về chính sách đối với người có công là nội dung quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân thống nhất ý chí, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách ở từng địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách đối với người có công cần được thực hiện thông qua công tác tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân các quy định về chính sách đối với người có công của Nhà nước, truyền thống đấu tranh cách mạng và đạo lý tốt đẹp của dân tộc, những kết quả của thực thi chính sách đối với người có công trong những vừa năm qua. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời

các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công để xây dựng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến tại các địa phương, khơi dậy lòng bác ái của toàn dân hướng tới những hoạt động thiết thực, hiệu quả, ủng hộ người có công và các hoạt động thực thi chính sách của cơ quan nhà nước.

Tuyên dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu đã vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, có nhiều đóng góp cho xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò của người có công, xây dựng, giới thiệu “gia đình cách mạng gương mẫu”, “người công dân kiểu mẫu”, “thương binh tàn nhưng không phế” Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân làm cho mọi người có cách nhìn đúng đắn và xác định rõ trách nhiệm trong thực thi chính sách đối với người có công hiện nay.

Tiếp tục làm tốt công tác quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; trên cơ sở đó thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong thực thi chính sách đối với người có công.

3.2.1.2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người có công

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; trước mắt, tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng toàn diện, đồng bộ; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, vừa kịp thời bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ

xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn về chế độ, chính sách và cơ chế, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và của các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Theo đó, cần chú trọng làm tốt một số nội dung sau:

- Tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện về chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2005); tổ chức hội thảo khoa học; dân chủ, rộng rãi; lấy ý kiến tham gia, góp ý của các cơ quan và tầng lớp nhân dân.

- Về khái niệm người có công với cách mạng: Nghiên cứu đề xuất làm rõ khái niệm người có công với cách mạng, cụ thể về tiêu chí xác định người có công (mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh…), phân biệt rõ người có công với các đối tượng khác, làm rõ phạm vi xác nhận người có công về không gian, thời gian, quốc tịch.

- Về đối tượng người có công: Theo quy định tại Pháp lệnh hiện hành, có 12 diện đối tượng người có công là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày” (theo quy định hiện hành mới chỉ áp dụng thực hiện đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày).

- Về điều kiện, tiêu chuẩn: Nghiên cứu cụ thể hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với từng thời kỳ cách mạng (thời kỳ kháng chiến; thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc); đề xuất bổ sung số đối tượng có cùng đặc điểm, nhiệm vụ mà Pháp lệnh hiện hành chưa quy định hoặc giảm bớt một số điều kiện, tiêu chuẩn, nếu hiện nay không còn phù hợp với thực tế; quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng;

làm rõ ranh giới giữa người được công nhận người có công và người không được công nhận người có công.

- Về chế độ, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, cải cách chính sách ưu đãi người có công theo hướng nâng mức trợ cấp, phụ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của đất nước hiện nay; đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng và thân nhân của họ, hướng tới mục tiêu “100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.

3.2.1.3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực thi chính sách đối với người có công

Trong thực thi chính sách đối với người có công, cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng. Để không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp. Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại ngành thương binh, xã hội chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, nhất là ở cấp cơ sở. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức này cần được các cấp chính quyền quan tâm. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành thương binh, xã hội cần:

- Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng cán bộ, công chức đang làm công tác thương binh, xã hội của Thành phố và các quận, huyện làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Căn cứ vào nhu cầu để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương.

- Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành thương binh - xã hội cần được đổi mới theo hướng giảm nội dung lý luận, tăng

các nội dung bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có các tình huống quản lý cụ thể trong thực thi chính sách đối với người có công.

- Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để cùng với ngân sách của Thành phố và quận bảo đảm các điều kiện cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, kể cả đào tạo nguồn, đào tạo chuẩn hóa và đạo tạo nâng cao trình độ.

- Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Thành phố và quận cần có chính sách giải quyết cho thôi việc đối với số cán bộ, công chức không đảm bảo các tiêu chuẩn, năng lực hạn chế, tuổi cao, sức khỏe yếu. Thu hút, tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học của các cơ sở đào tạo ngành lao động - xã hội về làm việc tại các cơ quan thực thi chính sách đối với người có công.

3.2.1.4. Tổ chức, sắp xếp bộ máy gắn với đổi mới phương thức quản lý trong thực thi chính sách đối với người có công

Theo quy định hiện hành, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và cơ quan lao động - thương binh và xã hội ở địa phương (Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chính sách đối với người có công. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành và các cấp chính quyền ở địa phương, có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người có công. Về cơ bản bộ máy quản lý đã được sắp xếp tinh giản, gọn nhẹ. Tuy vậy, ở cả 3 cấp (thành phố, quận, phường) hiện nay đều phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau: hướng dẫn triển khai các văn bản của Nhà nước; thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách; quản lý hồ sơ, tài liệu về người có công; quản lý và chi trả các loại trợ cấp; triển khai các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và quản lý nguồn “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”… Chính sách đối với người có công ngày càng được mở rộng, một số diện đối tượng khác nằm trong phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nhưng vẫn do hệ thống cơ quan thực thi chính sách

người có công quản lý, theo dõi, thực hiện chế độ, như chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc… Do đó, cần phải tiếp tục kiện toàn bộ máy thực thi chính sách đối với người có công làm cho bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy cơ quan giải quyết các chính sách đối với người có công, phân cấp quản lý cho từng cơ quan nhà nước và từng cấp hành chính.

Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy cần tiếp tục coi trọng việc đổi mới phương thức quản lý của cơ quan nhà nước trong thực thi chính sách đối với người có công. Hiện nay, quá trình thực thi chính sách, giải quyết các vấn đề có liên quan còn chậm, phải qua nhiều cấp trung gian. Do vậy, việc đổi mới phương thức quản lý cần gắn với cải cách hành chính nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, liên thông giúp gải quyết nhanh các ý kiến, nguyện vọng của người có công, tránh hiện tượng hách dịch, cửa quyền, ban ơn trong thực thi chính sách.

3.2.1.5. Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực thi chính sách đối với người có công; đẩy mạnh công tác quản lý hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng người có công ở các đơn vị, địa phương.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; tiếp tục nghiên cứu đề xuất xã hội hóa sâu rộng, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” bằng nhiều hình thức, nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm không để sai sót, tiêu cực; kiên quyết xử lý sai phạm trong thực thi chính sách đối với người có công.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)