địa bàn quận Cầu Giấy là rất nhiều, nhất là đối tượng gia đình liệt sĩ, thương binh và những người hưởng chính sách như thương binh. Nhiệm vụ đặt ra cho quận uỷ và chính quyền quận trong thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận là rất nặng nề, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và một nguồn lực rất lớn.
2.2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với người có công
2.2.1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đối với người có công người có công
Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong hơn 70 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách đối với người có công được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Sau khi thống nhất đất nước, để giải quyết kịp thời hậu quả chiến tranh, chính sách đối với người có công đã từng bước hoàn thiện và được quy định bằng hệ thống văn bản pháp luật. Ngày 18/9/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 236/HĐBT quy định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi và quy định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trong phạm vi cả nước. Theo đó, tiêu chuẩn xác nhận được mở rộng, chế độ ưu đãi đối với người có công đã được cải thiện. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta có nhiều biến động, cả nước bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đời sống của các đối tượng người có công còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ sau Đổi mới (1986) đến nay, chính sách đối với người có công đòi hỏi phải được quan tâm giải quyết. Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Thương
binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Quy định này đã được thể chế bằng Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đây là một bước tiến mới trong việc pháp điển hoá pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Sau 10 năm thực hiện và qua 03 lần sửa đổi, bổ sung, ngày 29/06/2005 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thay thế Pháp lệnh năm 1994, trong đó đã mở rộng đối tượng, bổ sung người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trở thành một trong 12 diện đối tượng người có công với cách mạng.
Để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, ngày 16/7/2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo đó, đối tượng được mở rộng; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đã cơ bản hoàn thiện và phù hợp thực tiễn; các chế độ ưu đãi được nâng lên, nội dung ưu đãi được luật pháp hoá và trở thành một hệ thống chính sách bao gồm các nội dung: trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về chính sách đối với người có công với cách mạng.
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định triển khai thực hiện luật và pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Có thể kể đến Nghị định số
28/CP của Chính phủ ngày 29/4/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Nghị định số 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2006 về việc ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2010 quy định miễn học phí, hỗ trợ học phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/4/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng…
Các bộ, ngành có liên quan cũng đã ban hành nhiều thông tư, thông tư liên tịch để triển khai các văn bản luật, pháp lệnh và các nghị định của Chính phủ. Có thể kể đến Thông tư số 05/2013/TT của Bộ LĐ-TB&XH ngày 15/5/2013 hướng dẫn về thủ tục hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ; Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT- BGDĐT-BTC-BLĐTBXH giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Lao động TB&XH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định miễn học phí, hỗ trợ học phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014- 2015; Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 giữa Bộ Lao động TB&XH - Bộ GD&DDT - Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ…