Khái quát quá trình xây dựng và phát triển của quận Cầu Giấy, Thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 52 - 55)

2.1. Tổng quan về quận Cầu Giấy và người có công trên địa bàn quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

2.1.1. Khái quát quá trình xây dựng và phát triển của quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội Thành phố Hà Nội

Quận Cầu Giấy được thành lập theo Nghị định số 74-CP ngày 22/11/1996 của Chính Phủ. Phía Đông quận giáp với quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía Tây giáp hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, phía Nam giáp quận Thanh Xuân và phía Bắc giáp quận Tây Hồ.

Ngày 05/01/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính của quận. Từ đó đến nay quận có 8 phường: phường Dịch Vọng, phường Mai Dịch, phường Nghĩa Đô, phường Nghĩa Tân, phường Quan Hoa, phường Trung Hòa, phường Yên Hòa, phường Dịch Vọng Hậu.

Tính đến cuối năm 2019, diện tích đất tự nhiên của quận Cầu Giấy là 1.210 ha, dân số của quận là 279.637 người.

Cầu Giấy là vùng đất cổ, từ xa xưa đã giữ một vị trí chiến lược quan trọng phía Tây kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây, đã tập trung nhiều làng nghề truyền thống: nghề làm giấy Sắc ở làng Nghĩa Đô; Làng Vòng - Dịch Vọng có nghề làm cốm; sản xuất kẹo mạch nha ở An Phú Nghĩa Đô; nghề làm hương ở làng Giàn, Trung Hòa.

Trên đia bàn quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Tại Nghĩa Đô có đền thờ Tướng quân Trần Công Tích và miếu thờ hai chị em họ Lê có công giúp vua Lê Đại Hành phá quân Tống (năm 981). Chùa Dụ Ân ở

Nghĩa Đô là nơi tu hành và dạy học của vị tông thất nhà Lý là Lý Công Ẩn. Ở phường Quan Hoa có chùa Hoa Lăng thờ mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở phường Dịch Vọng có Chùa Hà là di tích lịch sử văn hóa - cách mạng; phường Quan Hoa có di tích cách mạng gia đình cụ Hai Nhã, gia đình cụ Tạ Đình Tán ở Dịch Vọng là cơ sở đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hà Nội.

Nhân dân Cầu Giấy có truyền thống hiếu học, là một trong những cái nôi văn hiến, có rất nhiều người học giỏi, đỗ cao, nhiều vị tiến sĩ đã làm rạng rỡ non sông, đất nước. Thời hiện đại, ở Cầu Giấy có nhiều người nổi danh trong cả nước với sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật văn hóa, giáo dục như giáo sư Hoàng Xuân Sáng - chuyên gia vật lý nguyên tử thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pari, nữ Giáo sư - Tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính…

Trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, nhân dân quận Cầu Giấy có truyền thống rất đáng tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân quận Cầu Giấy đã kề vai sát cánh cùng với nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước làm nên những chiến thắng oanh liệt. Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân quận Cầu Giấy vừa xây dựng, bảo vệ Thủ đô, vừa hăng hái chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hàng nghìn thanh niên trong quận nghe theo tiếng gọi Tổ Quốc đã lên đường tham gia chiến đấu, góp phần xương máu của mình để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi nước nhà độc lập, nhân dân quận Cầu Giấy lại tiếp tục đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm Đổi mới, nhân dân quận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Từ vùng đất ven đô, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, sau hơn 20 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cầu Giấy đã nêu

cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng và phát triển quận về mọi mặt theo hướng văn minh - hiện đại; kinh tế - văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Kinh tế của quận phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu theo đúng hướng: dịch vụ - thương mại và công nghiệp - xây dựng. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều. Quận Cầu Giấy đang trên đà phát triển để trở thành một trong những Trung tâm thương mại - dịch vụ - hành chính - giáo dục của Thủ đô với các ngành dịch vụ hiện đại về tài chính - ngân hàng - tin học - viễn thông. Thu ngân sách tăng từ gần 35 tỷ đồng năm 1998 lên hơn 6.850 tỷ đồng năm 2017 (tăng gần 196 lần).

Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng. Ngành giáo dục - đào tạo được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Trong 20 năm qua, quận đã đầu tư 2.022 tỷ đồng để xây mới, cải tạo sửa chữa trường học, là đơn vị dẫn đầu Thành phố Hà Nội về đầu tư cho giáo dục. Toàn quận có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, trường THPT Nghĩa Tân đạt mô hình trường chuẩn khu vực Đông Nam Á. Liên tục nhiều năm ngành giáo dục và đào tạo quận được nhận cờ thi đua xuất sắc của Thành phố.

Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh bước đầu được nâng lên, 100% phường đạt chuẩn quốc gia y tế theo tiêu chí mới. Trung tâm Y tế quận là đơn vị đầu tiên trong số 30 Trung tâm y tế quận, huyện của Thành phố Hà Nội có đầy đủ các điều kiện khám sức khỏe theo quy định của Bộ y tế.

Hoạt động văn hóa - thể thao được đẩy mạnh từ quận tới cơ sở. 8/8 phường đều có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, các tổ dân phố đều có nhà họp,

nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhiều điểm vui chơi, nhà văn hóa, di tích lịch sử văn hóa được đầu tư nâng cấp; các khu vui chơi được đầu tư lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách xã hội đạt được nhiều kết quả; 100% hộ gia đình được cấp nước sạch, hàng chục nghìn người được hỗ trợ, giới thiệu giải quyết việc làm. Đến nay, quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo trên địa bàn.

Chất lượng hoạt động, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền được nâng cao, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu công việc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội luôn được đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của quận.

Đây là những yếu tố tích cực giúp chính quyền và nhân dân quận Cầu Giấy phát huy truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng, thực hiện tốt chính sách đối với người có công trên địa bàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)