Một là, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của quận và
các phường chưa đảm bảo yêu cầu. Hiện nay, việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người có công trên địa bàn quận Cầu Giấy đang thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Tất cả các hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính được tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” của quận và phường. Tuy nhiên, do Bộ phận tiếp nhận & trả kết quả thủ tục hành chính của quận Cầu Giấy và các phường còn chật hẹp nên chưa bố trí được cán bộ, công chức của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội trực tại bộ phận này để thụ lý hồ sơ liên quan đến các chế độ của người có công.
Hai là, hệ thống văn bản quy phạm của Nhà nước đối với người có công
còn chưa đồng bộ, các văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể, thậm chí là chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực thi chính sách đối với người có công thay đổi nhiều, chưa thống nhất. Trình tự, thủ tục thực hiện
các chính sách ưu đãi về đất đai, nhà ở, thuế, tín dụng, y tế, giáo dục cho người có công chưa được thể chế hóa kịp thời cũng tạo nên khó khăn cho cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ ở bộ phận “một cửa”.
Ba là, các văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công
còn một số điểm chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Điều kiện xác nhận liệt sỹ, thương binh, bệnh binh mới chỉ quy định chung là “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”, “dũng cảm đấu tranh chống tội phạm” chưa xác định rõ tính chất, mức độ của hành động “dũng cảm”. Bên cạnh đó, một số chế độ ưu đãi đối với người có công không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: mức trợ cấp hàng tháng đối với người có công thấp, chưa tương xứng với mức sống chung của các tầng lớp dân cư hiện nay.
Bốn là, pháp lệnh điều chỉnh các chính sách ưu đãi đối với người có công
(Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh số 35/2007/PL- UBTVQH11, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều về Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) cần được sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn như cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết quy định về dị dạng, dị tật cũng như quy định về bất thường sinh sản của con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013.
Năm là, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức thực thi chính
sách đối với người có công trên địa bàn quận còn có những hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thương binh, xã hội còn ít, phần nhiều không được đào tạo đúng chuyên ngành. Một số cán bộ làm việc tại Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận đang là lao động hợp đồng, kiêm nhiệm nhiều việc và cũng còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác này. Một bộ phận cán bộ,
công chức của quận chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác thương binh - liệt sỹ, còn thờ ơ, chưa tận tụy với công việc. Công tác lao động - thương binh và xã hội là công việc vất vả, khó khăn, đòi hỏi sự nhiệt tình, say mê nhưng chế độ đãi ngộ, khen thưởng đối với cán bộ cơ sở hiện nay thấp, chưa tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức.
Tiểu kết Chương 2
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cầu Giấy luôn quan tâm, coi trọng công tác thương binh, liệt sỹ và người có công, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là đạo lý và truyền thống dân tộc. Đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
Trong chương 2 học viên đã trình bày khái quát về quá trình xây dựng và phát triển quận, tình hình về người có công trên địa bàn quận; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của UBND Thành phố Hà Nội đối với người có công. Nội dung trọng tâm của chương này học viên phân tích, đánh giá thực trạng thực thi chính sách đối với người có công, nội dung, quy trình, kết quả thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận. Đánh giá chung việc thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận, học viên chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế. Kết quả lớn nhất trong thực thi chính sách đối với người có công là chính quyền và các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước đối với người có công. Việc tổ chức thực thi chính sách đặc biệt là công tác chi trả phụ cấp cho người có công được thực hiện đấy đủ, kịp thời, xây dựng quý “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được kết quả tốt. Công tác xã hội hóa chăm sóc người có công được phát huy mạnh mẽ tạo thế “kiềng” ba chân vững chắc: nhà nước - cộng đồng và bản thân đối tượng, tạo động lực giúp
người có công vươn lên trong cuộc sống, ổn định cuộc sống của đối tượng, đảm bảo sự công bằng xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực thi chính sách đối với người có công còn bộc lộ một số hạn chế: phổ biến, tuyên truyền chính sách chưa cụ thể; thủ tục hành chính còn rườm rà; quản lý hồ sơ người có công, chi trả phụ cấp còn có những sai sót; công tác thanh tra, kiểm tra còn có nhiều hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế có thể kể đến là những bất cập trong các quy định hiện hành, điều kiện cơ sở vật chất và các nguồn lực xã hội còn hạn hẹp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chính sách còn có những hạn chế.
Qua kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận Cầu Giấy là cơ sở để luận văn đề xuất phương hướng và giải pháp tăng cường thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận trong những năm tới.
Chương 3
QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THỰC THI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN CẦU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI