Nội dung thực thi chính sách đối với người có công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 31 - 36)

1.3.1.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách đối với người có công

Pháp luật quy định chính sách đối với người có công là công cụ quan trọng trong thực thi chính sách này. Pháp luật về chính sách đối với người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào thực thi chính sách,

tạo sự đồng thuận xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, hệ thống pháp luật đối với người có công ở nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thời kỳ đổi mới. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật quy định các ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công. Sau đó Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai Pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về chính sách đối với người có công.

1.3.1.2. Các đối tượng người có công theo quy định hiện hành

Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày ngày 16/7/2012, người có công với cách mạng bao gồm các đối tượng sau:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Liệt sĩ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; - Bệnh binh;

- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; - Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

1.3.1.3. Quy định về các loại trợ cấp ưu đãi người có công

- Trợ cấp hàng tháng: là khoản tiền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp hàng tháng đối với đối tượng hưởng ưu đãi người có công như: trợ cấp hàng tháng đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Trợ cấp tuất hàng tháng: là khoản tiền theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp hàng tháng cho thân nhân của liệt sỹ, thân nhân của thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên đã hết tuổi lao động, chưa đến tuổi lao động hoặc trên 18 tuổi nhưng bị tật nguyền bẩm sinh, không còn khả năng lao động.

- Trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: là khoản trợ cấp thường xuyên theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp cho một số đối tượng là thân nhân người có công thuộc diện già yếu, cô đơn, không nơi nương tựa.

- Trợ cấp một lần: là khoản tiền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được áp dụng cho từng loại đối tượng hưởng chế độ ưu đãi khác nhau như: người hoạt động kháng chiến - giải phóng dân tộc, người có công giúp đỡ cách mạng được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến.

- Trợ cấp hàng năm: là khoản tiền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp mỗi năm một lần, áp dụng đối với người đảm nhiệm thờ cúng liệt sỹ.

- Chế độ điều dưỡng: là khoản tiền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp mỗi năm một lần (áp dụng đối với thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên, bà mẹ Việt Nam Anh hùng) hoặc hai năm một lần (áp dụng đối với thương binh, bệnh binh mất sức lao động dưới 81%, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy, thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng).

- Phụ cấp người phục vụ: là khoản tiền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, được cấp hàng tháng đối với người trực tiếp đảm nhiệm việc phục vụ, chăm sóc một số diện đối tượng như: thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mất sức lao động từ 81% trở lên, bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

- Phụ cấp ưu đãi hàng tháng: là khoản tiền được nhà nước cấp thêm ngoài khoản trợ cấp chính đối với một số đối tượng thụ hưởng ưu đãi xã hội có hoàn cảnh đặc biệt đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng hoặc là khoản tiền phụ cấp thêm đối với một số đối tượng khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng như: phụ cấp người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, phụ cấp đối với thương bệnh binh có vết thương đặc biệt nặng.

1.3.1.4. Các cơ quan thực thi chính sách đối với người có công tại địa phương

Giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại địa phương là nhiệm vụ của UBND các cấp và nhiều ngành. Trong đó được phân công cụ thể như sau:

- UBND các cấp: UBND các cấp ở địa phương bao gồm: UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan hành chính nhà nước thuộc cấp mình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người và gia đình có công với cách mạng theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp: Là cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp ở địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và trực tiếp hướng dẫn công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn lập hồ sơ công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của từng diện cụ thể. Đồng thời, chủ trì trong việc thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công theo quy định của Nhà nước đã ban hành.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan cùng cấp thực hiện việc xác nhận đối tượng người có công, thân nhân người có công để thực hiện các chính sách ưu đãi khác theo quy định về pháp luật ưu đãi về người có công.

- Các cơ quan nhà nước có liên quan: Các cơ quan nhà nước có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật để thực hiện hoặc phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chính sách ưu đãi có liên quan đến người có công và thân nhân người có công cụ thể như sau:

+ Cơ quan Nội vụ: Căn cứ xác nhận đối tượng là người có công hoặc thân nhân người có công của Cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội để thực hiện việc ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức.

+ Cơ quan Y tế: Căn cứ thẻ Bảo hiểm y tế do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội mua cấp cho đối tượng để thực hiện miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh cho người có công và thân nhân người có công.

+ Cơ quan Xây dựng: Căn cứ xác nhận đối tượng là người có công hoặc thân nhân người có công của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở theo mức do Chính phủ quy định.

+ Cơ quan Thuế: thực hiện miễn, giảm các loại thuế theo quy định của pháp luật đối với người có công và thân nhân người có công khi có các giao dịch hành chính phát sinh …

- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, vận động toàn dân tham gia chăm sóc người có công, xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, thực hiện các chương trình tình nghĩa đối với người có công với cách mạng.

1.3.1.5. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công

Người có công và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tuỳ từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi sau đây:

- Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; - Bảo hiểm y tế;

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ người có công, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công;

- Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách đối với người có công trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)