Một là, Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời vinh danh, ghi nhớ công lao những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang do Đảng ta lãnh đạo, để có được ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú của nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận và tôn vinh những công lao đóng góp to lớn đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Trong thư gửi Ban tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Quan điểm nhất quán đó được khẳng định trong các Nghị quyết Đảng, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được ban hành, đối tượng hưởng chính
sách ưu đãi được mở rộng, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng.
Hai là, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình họ là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV xác định: “Săn sóc và giúp đỡ chu đáo anh, chị, em thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là một nhiệm vụ to lớn của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, của các ngành, các cấp và của toàn dân. Tận tình săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, các chính sách chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ phải được thực hiện đầy đủ”. Quan điểm, chủ trương của Đảng là cơ sở để thể chế hóa, phát triển toàn diện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng về bề sộng và chiều sâu; xác định, tập hợp vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành; động viên các nguồn lực, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với người có công
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã khẳng định: “Chăm sóc tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên” . Việc kết hợp chặt chẽ giữa bố trí ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hoá các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các phong trào, các cuộc vận động; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, khẳng định “thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Đó là phương hướng, mục tiêu cần tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; không để xảy ra sai sót, tiêu cực; xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi chính sách đối với người có
công.
Tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực ưu đãi người có công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện và quản lý chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong việc xác nhận người có công; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; kịp thời kiến nghị với cấp uỷ và cơ quan nhà nước các cấp giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.