Đặc điểm về truyền thống lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây DỰNG văn hóa CÔNG sở TRONG các cơ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ nước tại HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 53 - 56)

Huyện Quảng Ninh vốn nổi tiếng về đất hiếu học và văn vật: “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Đại Trường Sa vi bảng”. Trong lịch sử đã ghi nhận 4 làng “Văn - Võ - Cổ - Kim”, hoặc “Văn La song hiệp biện, Trung Bính tứ thượng thư”, là những miền quê có nhiều người đỗ đạt cao và giữ nhiều chức

vụ trọng yếu trong các vương triều nhà Nguyễn như 3 cha con ông Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh; Ông Hoàng Kim Xán, Hoàng Kế Viêm.

Người Quảng Ninh nói riêng và con người Quảng Bình nói chung có tính siêng năng, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì họ lại trở thành người chiến sỹ trung kiên, xả thân vì đất nước. Quảng Ninh cũng là căn cứ kháng chiến của nhân dân ta trong nhiều giai đoạn lịch sử: Thời Trịnh Nguyễn đã xây dựng lũy Đầu Mâu, lũy Trấn Ninh, đồn Dinh Thủy, Dinh Mười, “nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp có chiến khu Kim Sen, Ba Rền, Rào Trù - Rào Đá, Bến Lùi; Trong chống Mỹ có các địa danh: Bến phà Quán Hàu, Long Đại, đường Hồ Chí Minh,… là những nơi “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc công”.

Nét riêng của con người Quảng Bình còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn học và cả ăn chơi. Trong ăn nói, người Quảng Bình luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô ở làng, họ và gia đình, không phân biệt tuổi tác, giàu sang, nghèo hèn (có cả một hệ thống xưng hô khác với nhiều vùng miền). Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói.

Văn hóa Quảng Bình, một nền văn hóa của sự hài hòa và gắn bó giữa môi trường sống và con người, con người Quảng Bình đã sớm đùm bọc, gắn bó, đoàn kết với nhau. Con người biết dựa vào tự nhiên và biến đổi cái tự nhiên để sáng tạo nên lịch sử văn hóa Quảng Bình. Cái hài hòa, êm đềm của phong cảnh Quảng Bình đã ăn nhập vào con người Quảng Bình nhuần nhị mà sâu lắng. Chính những đặc điểm trên có tác động tích cực đến việc hình thành văn hóa công sở nói chung và văn hóa trong các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Kiểu văn hóa tế nhị, kín đáo là một phần cơ sở cho việc bỏ phiếu

kín tín nhiệm trong hoạt động hành chính dễ dàng được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả.

Đồng thời, chính những yếu tố đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Quảng Bình giữ gìn tinh hoa văn hóa của địa phương nói rêng, của dân tộc nói chung, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng và phát triển văn hóa công sở.

Ở những khía cạnh tiêu cực, đặc điểm truyền thống của lịch sử văn hóa Quảng Bình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Ở con người Quảng Bình, sự thiên về xúc cảm hơn là lý trí, hay sự mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử hàng ngày có thể dẫn đến cách hành động tùy tiện, thiếu nguyên tắc. Đồng thời, ảnh hưởng của văn hóa làng trong cách xơng hô ở làng, họ và gia đình, cách giao tiếp thân mật của đời thường cũng dẫn đến cách xưng hô kiểu chú - mày, chú - anh, ông - tôi khi làm việc. Thái độ nửa vời trong tư duy và hành động - có thể là kết quả của việc ít coi trọng những yếu tố chính thức - được thể hiện ra nhiều cách, trong đó có thói thích gặp gỡ để làm việc ở những nơi không chính thức và thói "trong phòng làm việc thì bàn chuyện bia, ra ngoài quán bia thì bàn công việc", còn trang phục thì tùy tiện và phóng túng.

Văn hóa bác học với tư tưởng phong kiến, bệnh gia trưởng, gia đình chủ nghĩa, bệnh cục bộ, tính bảo thủ...ăn sâu, bám rể trongn con người Quảng Bình tạo thành mặt trái trong việc tiếp thu và học hỏi những cái mới, kỹ thuật hành chính trong văn hóa quản lý - hành chính hiện đại. Đồng thời, tư tưởng kết bè, kéo cánh hay tư tưởng biến cơ quan hành chính nhà nước thành "gia đình trị" làm cho quá trình hiện đại hóa nền hành chính trong sạch bộ máy

nhà nước, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.

Việc coi trọng tình nghĩa quá mức, nếp sống làng xã có thể dẫn đến sự thiếu dứt khoát, cả nể, không phân biệt giữa việc công và việc tư, vi phạm nguyên tắc trong xử lý công việc.

Bên cạnh đó, thái độ tế nhị và kín đáo, sự chú trọng giữ thể diện cho người mình tiếp xúc có thể là lý do của sự phổ biến của các tin đồn và bình luận không chính thức. Chính những yếu tố này làm cho quá trình chuẩn mực hóa quy tắc hành vi trong giao tiếp nơi làm việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Quảng Bình cần quan tâm chú trọng đến những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa, nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của truyền thống lịch sử văn hóa Quảng Bình, trong đó có huyện Quảng Ninh nhằm hoàn thiện văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và trong các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vững mạnh nhằm góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, hiện đại và văn minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây DỰNG văn hóa CÔNG sở TRONG các cơ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ nước tại HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)